(HNM) - Với dân số hơn 90 triệu người, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn. Thực tế những năm qua đã chứng kiến hàng loạt tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon… đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường Việt Nam.
Nhưng bán lẻ cũng là ngành có tính chất cạnh tranh rất lớn. Và ngày nay, những tiện ích mà các nhà bán lẻ dành cho khách hàng dường như không có sự khác biệt nhiều. Vì thế, yếu tố quyết định cạnh tranh thành công vẫn quay về triết lý truyền thống, đó là xây dựng thương hiệu.
Trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài vốn có thế mạnh về vốn, quản trị tiên tiến, hệ thống phân phối toàn cầu và thương hiệu đã được định vị thì thách thức với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng lớn.
Tuy nhiên cũng không phải vì thế mà doanh nghiệp trong nước hoàn toàn lép vế. Sẽ không hề muộn nếu bây giờ bắt tay vào xây dựng thương hiệu. Câu chuyện thành công khi “nhảy” vào lĩnh vực bán lẻ của Tập đoàn Vingroup với chuỗi siêu thị bán lẻ Vinmart, Vinmart+ là một minh chứng. Với một “chiến thuật không thể bắt chước”, tập đoàn này đã tạo nên điểm sáng cho những thương hiệu bán lẻ nội địa.
Dễ thấy, sự thành công của thương hiệu "nội" này có được bắt đầu từ những tiện lợi trong từng cửa hàng với sự đa dạng các hàng hóa thiết yếu, đồng thời hệ thống cửa hàng quy mô nhỏ len lỏi trong các khu dân cư dễ dàng hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu mua sắm hằng ngày của người tiêu dùng một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Song, yếu tố được cho là cốt lõi tạo nên sự thành công của Vinmart là xây dựng được giá trị thương hiệu. Bài toán đặt ra cho thương hiệu này không chỉ là chạy đua với các đối thủ mạnh mà còn cả việc họ phải tính toán cạnh tranh với các cửa hàng tạp hóa gia đình vốn rất phổ biến ở Việt Nam.
Lấy ví dụ chỉ riêng với mặt hàng thực phẩm sạch. Trong khi đa số người dân ngày nay còn canh cánh mối lo về thực trạng mất an toàn thực phẩm thì tập đoàn này đã xây dựng được chuỗi sản xuất - tiêu thụ, cung ứng những mặt hàng được chứng minh là “sạch”, từ đó tạo nên giá trị riêng khiến người tiêu dùng luôn đặt Vinmart vào nhóm những thương hiệu được ưu tiên lựa chọn khi mua sắm.
Thế nhưng, ở một thái cực ngược lại, thực tế đã có không ít ví dụ về sự tự hủy hoại thương hiệu doanh nghiệp khiến nhiều người nuối tiếc. Điển hình gần đây là những câu chuyện của “Khaisilk”, “Con Cưng” đã làm “nóng” dư luận, nó được xem như một sự phản bội của doanh nghiệp với người tiêu dùng, phản ánh thực trạng, nhận thức của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về việc xây dựng thương hiệu, uy tín.
Qua những góc nhìn trên cho thấy, yếu tố hồn cốt, đóng góp quan trọng vào sự tồn tại, phát triển của mỗi doanh nghiệp là phải làm sao xây dựng và giữ được thương hiệu; tạo cho doanh nghiệp những đặc trưng riêng biệt, không thể trộn lẫn với các doanh nghiệp khác.
Trong kinh doanh, chữ “Tín” luôn “quý hơn vàng”. Vì thế việc xây dựng uy tín, thương hiệu phải được coi là tôn chỉ mà mọi doanh nghiệp, ở mọi quy mô, hình thức hoạt động cần coi trọng. Uy tín thương hiệu chính là chứng chỉ để doanh nghiệp giành được niềm tin của người tiêu dùng, định vị giá trị doanh nghiệp trong suốt quá trình phát triển. Chính doanh nghiệp hơn ai hết phải nhận thức về thương hiệu một cách rõ ràng.
Dĩ nhiên, dân gian vẫn nói “đường dài mới biết ngựa hay”. Thương hiệu không phải là thứ muốn có là được. Nó đòi hỏi sự bền bỉ, bản lĩnh và chiến lược bài bản của mỗi doanh nghiệp. Bằng không sẽ rơi vào tình thế “kiếm củi ba năm, đốt một giờ” như trường hợp của “Khaisilk”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.