Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định dạng thách thức toàn cầu

Trung Hiếu| 01/02/2010 06:49

(HNM) - Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2010 tại Đavốt (Thụy Sĩ) vừa khép lại sau 4 ngày làm việc (từ 27 đến 30-1). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị và thăm một số tổ chức đa phương tại Thụy Sĩ vừa về tới Hà Nội chiều 31-1.

Những vấn đề nóng bỏng của thế giới từ khủng hoảng tài chính - kinh tế, phát triển kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo đến an ninh lương thực, biến đổi khí hậu... đã được các nhà lãnh đạo thế giới bàn thảo. Cũng tại Đavốt lần này, đề xuất lập Khu vực Mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA) trong khuôn khổ ASEAN+3 (ASEAN + Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA) giữa 16 nước tham gia Cấp cao Đông Á đã chính thức được khởi động.

Các đại biểu dự WEF nhấn mạnh sự cần thiết tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu để phát triển bền vững hơn.


Đavốt 2010 có số người tham dự đông nhất sau 4 thập kỷ hình thành và phát triển với 2.500 đại biểu từ 55 quốc gia. Trong đó có hơn 30 vị đứng đầu nhà nước, chính phủ, tổ chức quốc tế (như: Tổng thống Pháp, Tổng thống Mêhicô, Thủ tướng Canađa, Tổng thống Hàn Quốc, Phó Thủ tướng thường trực Trung Quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc...).

Ngay sau phát biểu khai mạc của người sáng lập, hiện là Chủ tịch WEF Clauxơ Soáp, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận chủ đề "Cải thiện thực trạng thế giới: Cùng suy nghĩ lại, tái thiết và tái xây dựng". Với chủ đề này, thách thức trong năm 2010 đã được định dạng. Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc, gây hệ lụy từ thế hệ này sang thế hệ khác nếu các nhà lãnh đạo thế giới trì hoãn giải quyết vấn đề vô cùng thời sự hiện nay. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế đã và đang làm thay đổi căn bản diện mạo thế giới với hệ thống tư bản đế quốc già cỗi. Do đó, cấu trúc lại nền kinh tế để phát triển bền vững, tăng cường an ninh, tạo một khuôn khổ các giá trị mới, xây dựng các thể chế hiệu quả đã trở thành thông điệp mà các nhà lãnh đạo đưa ra sau 4 ngày tập hợp tại Đavốt.

Cũng tại Đavốt 2010, sau 40 năm, các nước đang phát triển đã lần đầu tiên khẳng định vai trò không thể thiếu trong cỗ máy động lực toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trường hợp tiêu biểu được cộng đồng quốc tế tại Đavốt đánh giá cao không chỉ là cú vượt thoát ngoạn mục khỏi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu trong năm qua, mà là quốc gia có trách nhiệm trước những vấn đề mang tính sống còn của thế giới như: an ninh lương thực cũng như quản trị toàn cầu.

Đảm nhận chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2010, đồng thời là chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á năm 2010, sự tham gia của Việt Nam tại Đavốt thu hút sự quan tâm lớn tại Hội nghị WEF năm nay. Phát biểu đầy trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng như một thông điệp của Việt Nam trước những vấn đề thời sự toàn cầu hiện nay tại bốn phiên toàn thể quan trọng của hội nghị về các chủ đề: Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn; Tái định hình nền quản trị toàn cầu; An ninh lương thực và Cộng đồng Đông Á được dư luận Thụy Sĩ và châu Âu đánh giá cao cho thấy điều đó.

WEF Đavốt 2010 đã khép lại với nhận định, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhưng với tốc độ yếu và vẫn bị cản trở bởi tình trạng thâm hụt ngân sách lớn ở không ít các quốc gia. Nhưng dẫu vậy, bức tranh kinh tế thế giới đã sáng hơn nhiều với điểm nhấn là nhóm các nước nổi lên ở châu Á. Trong điểm sáng ấy, các quốc gia ASEAN đang được đặt niềm tin về sự phục hồi, tăng trưởng. Là nước Chủ tịch ASEAN 2010, nước chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2010, Việt Nam một lần nữa trở thành tiêu điểm lạc quan toàn cầu trong năm bản lề của một thập kỷ mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định dạng thách thức toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.