Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định chế đối với blog

Nữ Quỳnh| 30/10/2010 06:22

(HNM) - Mấy ngày qua, việc một blogger bị cơ quan chức năng bắt khẩn cấp liên quan đến những nội dung có tính chất vu khống, bôi nhọ người khác đăng tải trên trang mạng cá nhân của blogger này khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhân việc này xin nói đến một hiện tượng thực sự đáng chú ý, đó là quyền riêng tư trong thế giới ảo.


Có thể thấy, trong những năm gần đây, xã hội thông tin, ở nước ta đã được phổ cập nhanh chóng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội trên thế giới, thậm chí nó vào từng ngõ ngách nhỏ của đời sống người Việt, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Nhưng blog, chat, web cá nhân… ẩn chứa đằng sau nó biết bao điều bất ổn, từ chát sex, web đen đến blog "bẩn"… Đã có quá nhiều trang web, blog cá nhân được sử dụng để đăng tải thông tin liên quan đến bí mật riêng tư, lối sống đạo đức của người khác. Dư luận đã nhiều lần nóng vì chuyện này. Dĩ nhiên, có thể có người không có động cơ, mục đích xấu khi phát tán các thông tin nhạy cảm liên quan đến người khác, nhưng dưới góc độ pháp lý đang tồn tại nhiều việc vi phạm pháp luật.

Thực tế, pháp luật Việt Nam công nhận quyền tự do ngôn luận của công dân. Viết blog cũng là tự do ngôn luận, nhưng chắc chắn không thể lấy tự do của mình mà xâm hại quyền tự do của những người khác. Cũng theo quy định pháp luật, hành vi vu khống, nói xấu, mạo danh người khác là vi phạm các chuẩn mực xã hội, vi phạm pháp luật.

Cách đây ít lâu, một nhóm sinh viên trẻ đã phải ra trước vành móng ngựa vì công bố những thứ không được phép, hay nói đúng hơn là xâm hại đến quyền riêng tư của người khác. Vụ việc ấy càng khiến dư luận quan tâm khi nó liên quan đến một diễn viên rất nổi tiếng trên màn ảnh nhỏ. Cũng cách đây không lâu, chính blogger vừa bị bắt giữ nói trên đã là đương sự trong một cuộc tranh tụng đình đám chốn công đường và trên công luận. Một vụ án dân sự giữa hai cá nhân nhưng cũng đã khiến dư luận đặc biệt chú ý vì nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa thông tin trên blog.

Dễ thấy một quan niệm rất sai lầm, thậm chí là ấu trĩ, thiếu hiểu biết pháp luật khi có nhiều người vẫn nghĩ "blog là nhật ký của riêng nên có quyền viết gì thì viết". Và có thể người ta lợi dụng cái gọi là "nhật ký riêng" để vu khống, bôi nhọ người khác. Và đây chính là nguyên nhân khiến nhiều thông tin không lành mạnh, chưa được kiểm chứng vẫn xuất hiện nhan nhản trên blog. Luật pháp cũng đã quy định rõ: hành vi loan truyền thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bằng phương tiện thông tin có tính chất phát tán trên diện rộng như blog, các kênh thông tin xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng… là vi phạm pháp luật. Vì vậy, người loan truyền thông tin phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm hoàn toàn với thông tin mình công bố.

Luật pháp Việt Nam cho phép quyền tự do ngôn luận, nhưng cũng quy định rõ ràng về việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, quyền bí mật riêng tư của mỗi người. Nghĩa là quyền về danh dự, quyền lợi (vật chất và tinh thần) của mọi người được pháp luật bảo vệ. Điều 121 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm…

"Bộ chuẩn mực đạo đức blogger" do CyberJournalist.net đưa ra dựa trên các nguyên tắc đạo đức của báo chí, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Một blogger có đạo đức là người tôn trọng nguồn tin, nhân vật trong bài viết và người đọc; biết chịu trách nhiệm, giải thích, bình luận, tranh luận đúng mực, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức…

Đã đến lúc phải có định chế với blog để ngăn chặn tình trạng lợi dụng quyền tự do và quyền riêng tư để xâm hại lợi ích của người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định chế đối với blog

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.