(HNMCT) - Trong những ngày vừa qua, lại xuất hiện ý kiến về sự cần có quy định liên quan tới niên hạn sử dụng xe cơ giới, thu phí vào nội đô Hà Nội... Những điều được luận bàn ít nhiều đều hướng tới việc cải thiện điều kiện giao thông đô thị nói chung.
Nói về tình hình giao thông ở Hà Nội hiện nay, ngày càng có nhiều ý kiến về nhu cầu phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) ở mức tốt hơn nữa, coi đó là yếu tố cần có của đô thị hiện đại, văn minh. Phát triển hệ thống VTHKCC, như đã và đang được đề cập, không chỉ nhằm mục tiêu phục vụ nhân dân mà còn gián tiếp làm giảm số lượng phương tiện cá nhân, qua đó góp phần giải quyết vấn nạn tắc đường.
Tuy nhiên, vấn đề hoàn thiện hệ thống VTHKCC chỉ là một khâu trong nhiều phần việc nhằm giải bài toán giao thông đô thị. Chuyện không chỉ liên quan tới kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm phương tiện, thiết lập hệ thống điều hành và quản lý..., mà còn phụ thuộc vào nhận thức, thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân. Nói một cách khác, nếu đầu tư xây dựng hệ thống VTHKCC hoàn chỉnh rồi, đủ cả tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt trên cao, xe buýt nhanh... mà người dân không chọn đó là phương tiện di chuyển thường xuyên thì mọi cố gắng đầu tư đều không thu được hiệu quả cần thiết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người chưa hào hứng lựa chọn phương tiện VTHKCC. Do nhận thức, thói quen, do sự tiện lợi mà loại phương tiện này mang lại chưa ở mức đủ để đa số thấy rằng mình nên chọn.
Người Hà Nội, cũng như người Việt Nam nói chung, có thói quen “một bước lên xe”, nhưng chủ yếu là “lên” phương tiện cá nhân chứ không phải phương tiện VTHKCC dù hệ thống xe buýt đã phủ kín các khu vực nội đô. Những người hiện đang thường xuyên sử dụng xe buýt chủ yếu là sinh viên, người cao tuổi, cán bộ công chức làm công việc hành chính, ít phải di chuyển trong giờ làm việc. Với những người khác, việc chọn phương tiện VTHKCC không hẳn do họ muốn thế, do cảm thấy lợi ích của việc này, mà phần nhiều là do không có phương án khác đáp ứng nhu cầu tốt hơn.
Thói quen “một bước lên xe”, tâm lý lười đi bộ là trở lực lớn, nhưng không dễ thay đổi trong điều kiện hiện nay. Những người thường xuyên di chuyển bằng phương tiện VTHKCC trong nội đô đều biết rằng không phải nhà ai cũng ở gần điểm dừng, đỗ xe buýt. Khách đi xe thường phải đi bộ một quãng, xa hoặc gần tùy vào nơi cư trú của từng người, trước khi tới điểm chờ xe.
Ở rất nhiều nơi, đó là quãng đường “khổ ải” đối với người chọn di chuyển bằng phương tiện VTHKCC bởi họ không những phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, mà còn phải luồn lách giữa dòng xe mô tô, ô tô bởi không phải nơi nào hè phố cũng được dành cho người đi bộ, không phải nơi nào cũng có hè phố theo đúng nghĩa của từ này. Hơn nữa, ở điểm đến và đi, người lên - xuống xe buýt thường phải vượt qua đường để tới nơi cần đến hoặc để chuyển xe khác. Đó không còn là việc đơn giản khi dòng xe cộ như mỗi ngày một đông hơn, mất trật tự hơn và hầm bộ hành, cầu vượt thì không phải ở đâu cũng có, ở đâu cũng thuận tiện, an toàn, sạch sẽ đối với người đi bộ...
Những việc cần thực hiện nhằm giải bài toán giao thông đô thị liên quan tới tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi của người dân, nhưng cũng không thể thiếu bước chuyển về nhận thức từ cơ quan quản lý nhà nước về việc này. Những đòi hỏi duy trì kỷ cương, văn minh đô thị, văn hóa giao thông... cần phải gắn liền với nghĩa vụ hỗ trợ điều kiện cần thiết để giúp người dân tự nguyện chuyển đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện VTHKCC. Cần coi đó là việc quan trọng không kém gì so với việc hiện đại hóa hệ thống VTHKCC. Xây thêm hầm bộ hành, cầu vượt là cần thiết, nhưng quan trọng không kém là xây những công trình đó ở đâu, cần làm gì để người đi bộ không còn ngại ngần mỗi khi nghĩ tới chuyện lên - xuống những nơi đó.
Hè phố là dành cho người đi bộ, điều đó chỉ có thể thành hiện thực nếu chính quyền cơ sở thực hiện giải pháp quản lý thường xuyên, liên tục thay vì chỉ “ra quân” theo “kỳ cuộc”... Đó là chưa kể việc đáp ứng nhu cầu về bóng mát, cây xanh, tạo thêm không gian đi bộ phù hợp với nhu cầu.
Xây dựng văn hóa giao thông, tiến tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại là một hành trình dài, khó khăn. Việc lớn khó thành nếu người dân không thay đổi nhận thức về điều đó cũng như chưa nhận được sự hỗ trợ đầy đủ để tự nguyện thay đổi hành vi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.