Sản phẩm dịch vụ

Điều nên tránh khi trả lời câu hỏi “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”

Đặng Hảo 05/09/2023 - 16:45

Mục đích của nhà tuyển dụng khi yêu cầu ứng viên đặt câu hỏi này là tìm hiểu xem bạn có thực sự quan tâm đến công việc, năng lực tìm kiếm, tổng hợp và phân tích thông tin của bạn đến đâu, bạn có quan điểm độc đáo nào không… Để tạo được ấn tượng tốt và tránh một số sai lầm trong giao tiếp ứng xử, khi được hỏi “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”, bạn nên tránh nói những điều sau đây.

Không nên hỏi về thông tin cơ bản đã có sẵn

Các công ty khi tuyển dụng nhanh sẽ cập nhật thông tin cơ bản lên website hoặc lên các phương tiện truyền thông của họ. Khi muốn ứng tuyển, chắc chắn bạn cần phải tìm hiểu để nắm được.

Bạn nên tránh những câu hỏi thông tin cơ bản về công ty, công việc như: Công ty kinh doanh sản phẩm, dịch vụ gì, phân khúc khách hàng là tầng nào, công ty nào là đối thủ cạnh tranh, ai là lãnh đạo, chủ; công ty thành lập được bao lâu, phương châm hoạt động là gì, đã có được thành tựu nào đáng kể…

Bạn cũng nên tránh hỏi về công việc như vị trí này có cần nhiều nhân sự không, có bao nhiêu người ứng tuyển, phòng (hoặc đội nhóm) có mấy người… vì nội dung này hoàn toàn không cần thiết.

580-202309051627071.png

Tránh hỏi về lợi ích - chế độ công ty dành cho nhân viên

Ngay lập tức bạn “chớp” cơ hội và đặt các câu hỏi về lợi ích mình được nhận như mức lương, thưởng, thời gian nghỉ phép, các dịp du lịch, chế độ hỗ trợ… là sai lầm khi giao tiếp ứng xử và nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng xấu với bạn.

Một số câu không nên hỏi như: Mức lương của vị trí này bao nhiêu? Tôi có được thưởng sau khi dự án hoàn thành vượt chỉ tiêu/năng suất không? Một năm tôi được nghỉ phép mấy ngày? Công ty có bao ăn trưa, có phụ cấp tiền xăng xe không, ngày lễ nào là nhân viên được nghỉ…

Những nội dung này không hẳn là sai nhưng chưa phù hợp để thảo luận ở đây. Bạn chỉ nên đặt câu hỏi về lương thưởng và chế độ khi nhà tuyển dụng nhận bạn hoặc khi họ chủ động đề cập.

Tránh hỏi về lộ trình, cơ hội thăng tiến

Lộ trình thăng tiến của vị trí tuyển dụng chắc chắn là điều mà ứng viên quan tâm, đặc biệt là những người có mục tiêu rõ ràng và khao khát được vươn cao hơn, nhanh hơn.

Tuy nhiên khi được hỏi “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”, bạn không nên nóng vội đưa ra nội dung hỏi về lộ trình thăng tiến. Chẳng hạn khoảng bao lâu thì tôi được lên giữ vị trí quản lí đội nhóm nếu chứng minh được năng lực? Hay ở công ty này, nhân viên giỏi sẽ mất mấy tháng để được thăng chức, tăng lương…

Khi bạn chưa vào làm và chưa chứng minh được năng lực bằng kết quả công việc thì nhà tuyển dụng cũng sẽ không đánh giá cao. Ngược lại, họ sẽ cho rằng bạn có tham vọng hơn là mục tiêu và đang nôn nóng vì cơ hội của chính bản thân hơn là vì lợi ích công ty.

580-202309051627072.jpg

Tránh hỏi tò mò về đời sống cá nhân người phỏng vấn hoặc sếp

Bạn cần tôn trọng đời sống cá nhân của người khác. Hơn thế, trong cuộc phỏng vấn, bạn tuyệt đối không nên đề cập đến những nội dung ngoài lề công việc. Bạn đang ở vị trí ứng viên nên cần tận dụng cơ hội thể hiện năng lực và khí chất ưu tú của bản thân thay vì hỏi những điều vô bổ.

Bạn tuyệt đối tránh hỏi về đời sống cá nhân của người khác như: Anh, chị sinh năm bao nhiêu, làm việc ở đây lâu chưa, đã kết hôn chưa, có yêu thích công việc này không, có dự định gắn bó lâu dài không; sếp của công ty này bao nhiêu tuổi, đã lập gia đình chưa, là tuýp người như thế nào… Bởi vì tất cả những điều này không liên quan đến công việc.

Những nội dung trên sẽ làm cho bạn bị mất điểm và khả năng bị loại thẳng tay là rất cao. Nó chứng tỏ sự tò mò, thiếu tinh tế, thiếu lịch sự và cho thấy bạn là một ứng viên thích buôn dưa lê, lắm chuyện.

Tránh nói “Tôi không có câu hỏi nào”

Khi nhà tuyển dụng đưa ra đề nghị bạn đặt câu hỏi có nghĩa là họ đã truyền đạt những điều cần thiết và buổi phỏng vấn sắp kết thúc, họ muốn nghe bạn bày tỏ những điều bản thân muốn nói. Đây là cơ hội để bạn đưa ra một số thắc mắc hoặc tận dụng để thể hiện quan điểm cá nhân đối với công việc nhằm tạo ấn tượng tốt.

Khi nhận được câu hỏi này, bạn nên khéo léo nhắc lại một số nội dung quan trọng mà nhà tuyển dụng đã đề cập. Điều này cho thấy bạn chú trọng những thông tin đó. Ngoài ra, bạn nên hỏi những vấn đề liên quan đến công việc và công ty một cách sâu rộng (không có trên website mà chỉ từ những chia sẻ của nhà tuyển dụng). Chẳng hạn, “theo anh, chị vị trí này đòi hỏi một người phải giỏi những gì”; “những khó khăn ban đầu của công việc này là gì?”…

580-202309051627073.jpg

Đừng nói “Tôi không có câu hỏi nào” vì sẽ chứng tỏ bạn là người hời hợt, không quan tâm đến công việc hoặc nội dung vừa trao đổi trong cuộc phỏng vấn. Điều này sẽ khiến bạn mất điểm với nhà tuyển dụng vì sự thiếu nhiệt tình và thiếu chuyên nghiệp.

Đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng chính là một phần quan trọng nhằm tương tác hiệu quả trong cuộc phỏng vấn để tạo được ấn tượng tốt. Đây chính là cơ hội ghi điểm với những câu hỏi chất lượng và qua đó thể hiện bản thân mình tốt nhất. Khi được hỏi “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”, là ứng viên bạn không nên từ chối cũng không nên đưa ra các câu hỏi ngoài lề hoặc vô bổ. Hy vọng nội dung vừa chia sẻ trên giúp bạn có được cuộc phỏng vấn thành công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều nên tránh khi trả lời câu hỏi “Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.