(HNM) - 2011-2015 là giai đoạn nền kinh tế đầy biến động, tác động trực tiếp đến mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Bước ngoặt mang tính chiến lược
NQ Đại hội lần thứ XI đặt ra các mục tiêu phát triển KT-XH chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011-2015 khoảng 7-7,5%/năm. Giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng tăng 7,8-8%/năm. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 23-24% GDP, giảm mức bội chi NSNN xuống 4,5% GDP vào năm 2015. Phấn đấu, năm 2015 GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD...
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành |
NQ Đại hội Đảng lần thứ XI cũng xác định rõ mục tiêu "phát triển kinh tế nhanh, bền vững". Tuy nhiên, diễn biến nền kinh tế giai đoạn 2007-2010 lại đầy bất ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, nên đến tháng 10-2011, BCH TƯ Đảng đã quyết định chuyển sang tập trung vào mục tiêu phục hồi kinh tế với trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với tái cơ cấu nền kinh tế. NQTƯ 3 đặt mục tiêu tổng quát của năm 2012 là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, qua đó bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Như vậy, mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững đã được thay bằng mục tiêu tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế không chỉ trong năm 2012 mà cả giai đoạn 2011-2015, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại theo chủ trương NQTƯ 3 khóa XI.
Với sự thay đổi mang tính chiến lược này, từ tháng 10-2011, hàng loạt chỉ tiêu đã phải điều chỉnh cho năm 2012 và tiếp tục tới năm 2015. Trước đó, NQ số 11/2011/CP (ngày 24-2-2011) về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã gián tiếp điều chỉnh các mục tiêu phát triển KT-XH từ tiếp tục tăng trưởng cao dựa vào tăng đầu tư sang ổn định kinh tế vĩ mô thông qua thắt chặt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nội dung NQ 11/2011 được thực hiện nhất quán, xuyên suốt giai đoạn 2011-2015 dựa trên 3 trụ cột: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khóa thắt chặt nhằm cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi NSNN và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.
Nền kinh tế phục hồi vững chắc
Với sự thay đổi chiến lược của TƯ Đảng, chỉ sau vài tháng đầu năm 2011, mục tiêu "phát triển kinh tế nhanh và bền vững" đã được thay thế bằng nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã tạo đáy hình chữ W, từ năm 2013 đã có sự cải thiện rõ rệt của cả hai con số tăng trưởng GDP và lạm phát bình quân. Dấu hiệu phục hồi kinh tế cũng ngày càng vững chắc theo xu thế tốc độ tăng GDP tăng dần, tốc độ lạm phát giảm dần, thậm chí GDP và CPI năm 2014-2015 đều vượt chỉ tiêu đặt ra, sau 3 năm liên tiếp 2011-2013 không đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, sau khi chạm đáy tăng GDP năm 2012 thì tăng trưởng kinh tế bắt đầu phục hồi, tuy còn chậm, nên bình quân cả giai đoạn GDP chỉ tăng chưa đầy 6%/năm, thấp so với mục tiêu tăng 7-7,5%. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người lại vượt mục tiêu sớm một năm và đến năm 2015 đã đạt 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014. GDP chỉ tăng trưởng với tốc độ cao hơn và vững chắc hơn nếu có mô hình tăng trưởng kinh tế mới khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn nội lực đi đôi với khai thác tốt ưu thế từ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bên cạnh mục tiêu chủ yếu là kiểm soát lạm phát, trong giai đoạn này, các mục tiêu khác cũng không kém phần quan trọng, vì có tác động tương hỗ và phụ thuộc lẫn nhau như cán cân thương mại, cán cân thanh toán, cán cân NSNN, lãi suất tín dụng, tỷ giá hối đoái... Với những nỗ lực này, trong giai đoạn 2011-2015, chỉ duy nhất năm 2011 có mức bội chi NSNN thực tế thấp hơn so với kế hoạch, đạt dưới 5% GDP theo quyết định cắt giảm thâm hụt NSNN tại NQ số 11/2011/CP. Trong khi đó, các năm còn lại đều có mức thâm hụt vượt trên 5% GDP, thậm chí vượt xa kế hoạch như năm 2012-2013.
Tuy không thuộc lĩnh vực trọng tâm tái cơ cấu, song suốt giai đoạn 2011-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) thực tế liên tục vượt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm tăng 10% (trừ năm 2015 không đạt kế hoạch), thậm chí tăng gấp hơn 3 lần kế hoạch như năm 2011. Quy mô nhập siêu sau khi chỉ chiếm hơn 10% tổng KNXK năm 2011 thay vì chiếm 18% như kế hoạch thì từ năm 2012 Việt Nam lại chuyển sang trạng thái xuất siêu liên tục và đạt kỷ lục xuất siêu 2 tỷ USD năm 2014 chứ không phải là nhập siêu 6-12% tổng KNXK như kế hoạch hằng năm hay chỉ nhập siêu gần 2% tổng KNXK thay vì 5% như kế hoạch. Rõ ràng, thành quả xuất khẩu và xuất siêu không nằm trong dự tính của các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi giảm thâm hụt thương mại được coi là yếu tố quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô. Mặt khác, những thành quả trong thặng dư cán cân thương mại đến từ tự thân sự vận động của các nhà xuất khẩu, nhất là khu vực FDI, nhiều hơn từ chính sách hỗ trợ xuất khẩu và kiềm chế nhập khẩu. Năm 2015, KNXK của khu vực FDI đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước, chiếm tỷ trọng 70,9% tổng KNXK hàng hóa…
Nhờ tiến bộ tích cực của cán cân thương mại đi đôi với duy trì thặng dư tài khoản vốn mà cán cân thanh toán của Việt Nam được phục hồi và củng cố đáng kể giúp cho dự trữ ngoại tệ của nước ta liên tục tăng cao đạt kỷ lục trên 35 tỷ USD năm 2014 sau khi đã giảm mạnh những năm 2009-2010. Thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán đã hỗ trợ tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá hối đoái và tạo nguồn lực giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Như vậy, trong giai đoạn 2011-2015, dấu ấn và vai trò lãnh đạo của TƯ Đảng trong việc đưa ra những quyết sách tích cực đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nền kinh tế đã ổn định, phục hồi vững chắc. Những thành tựu quan trọng đã đạt được trong giai đoạn này cũng là nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới khi ngày càng hội nhập sâu, rộng với kinh tế thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.