(HNM) - Du xuân năm mới trong thói quen của người Việt có việc đi xin chữ các ông đồ, và ngày nay phong tục ấy vẫn được gìn giữ. Hội chữ Xuân Đinh Dậu đã mở và đón ngày càng đông dòng người đến. Cùng đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử vừa cho ra mắt cuốn “Lịch sử thư pháp Việt Nam” dành cho ai muốn tìm hiểu sâu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử 31 tuổi, thực hiện xong cuốn sách đầu tay dày gần 300 trang ở một đề tài mà ngay cả “các nhà nghiên cứu đầu râu tóc bạc, vò đầu bứt tai mà mãi chưa viết được chữ nào” (lời của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng), quả là mạnh dạn và đáng lưu tâm. Nguyễn Sử tốt nghiệp ĐH Sư phạm Phúc Kiến (Trung Quốc). Hiện anh làm việc tại Phòng Nghiên cứu Phật giáo thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tác giả có nhiều năm nghiên cứu về Hán - Nôm và say mê thực hành thư pháp. Thế mạnh của những người trẻ này mà nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng khẳng định cho những ai còn nghi ngờ là ngoài việc được đào tạo cẩn thận về Hán - Nôm và văn hóa phương Đông, họ được tiếp cận với khoa học công nghệ hiện đại. Bằng công cụ tìm kiếm trên mạng, thay vì người xưa phải tra cứu tư liệu hằng năm thì họ chỉ làm trong ít hôm, đồng thời những thác bản văn bia Hán - Nôm Việt Nam đã được chụp lại, cùng nhiều sách Hán - Nôm đã số hóa đưa lên mạng để họ dễ dàng khai thác.
Nhưng ngoài sự mạnh dạn, nhạy bén thì việc bước vào cuộc khảo cổ chữ nghĩa của Nguyễn Sử trong nhiều năm qua để thực hiện xong cuốn sách này là sự khổ luyện, say mê mà chính tác giả nói rằng, do duyên nợ. Nguyễn Sử bắt tay vào thực hiện cuốn sách này từ năm 2012. Cùng với việc đọc chính sử Việt Nam nguyên bản, tác giả đã cất công trong nhiều ngày tháng, lặn lội đến những vùng đất hoang vu trên cả nước, leo lên những vách đá, miệt mài lần đọc cảo xưa, sách cũ để tìm từng mảnh ghép về phép tắc viết chữ của người Việt.
“Lịch sử thư pháp Việt Nam” thuộc dòng sách khảo cứu theo xu hướng hiện đại, tức là có nhiều hình minh họa, tính thuyết minh được đề cao cùng với đó là hệ thống dữ liệu, dẫn chứng thuyết phục. Sách do NXB Thế giới và Nhã Nam ấn hành, in màu và đóng bìa cứng, như sách đồ họa về nghệ thuật. Hai phần chính được trình bày trong đó là “Lược sử nghệ thuật thư pháp tại các nước Đông Á” (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và “Lịch sử nghệ thuật thư pháp Việt Nam” (thời Bắc thuộc, thời Lý - Trần, thời Lê, thời Nguyễn).
Trong cuốn sách, tác giả khẳng định rằng, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ văn minh Trung Hoa. Một thời gian dài nước ta sử dụng chữ Hán và vì thế nghệ thuật thư pháp của Việt Nam lấy chất liệu chữ Hán là điều tất yếu và trở thành bộ môn nghệ thuật đậm chất khu vực. Tuy nhiên, tác giả đã có những bóc tách riêng, phân tích về chỗ đứng của thư pháp Việt Nam ở Đông Á. Cuốn sách cho thấy giai đoạn cực thịnh của nền thư pháp Đại Việt ở thời Lý - Trần và sự hình thành lối chữ hoa áp - phong cách chữ đặc thù thống lĩnh thư đàn nước Việt… Tác giả Nguyễn Sử cũng coi thư pháp là nét riêng trong câu chuyện Hán Nôm - một môn nghệ thuật giống như hội họa hay điêu khắc. Cuốn sách thu thập được khá nhiều nét chữ của các nhà thư pháp mà đa phần là những danh nhân văn hóa của đất nước để người xem cảm nhận, hiểu thêm về tính cách và con người ấy.
Giới nghiên cứu đều nhận định, lịch sử thư pháp Việt Nam thiếu sự chỉnh lý mang tính hệ thống, các ghi chép liên quan đến thư pháp và thư gia trong thư tịch cổ Việt Nam không được phong phú. Chữ nghĩa còn lại đến nay phần lớn nằm ở đền chùa, thạch khắc, bia đá, kinh tràng, dù khoảng thế kỷ XVII, XVIII trở lại đây cũng còn một ít bản chép tay để lại. Nên công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Sử này đã xác lập một diện mạo khá toàn vẹn cho lịch sử thư pháp Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.