Văn nghệ

Triển lãm thư pháp “Nghiên bút còn thơm” mở cửa đến 25-9

Linh Tâm 31/08/2024 - 21:41

Ngày 31-8, tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khai mạc triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm”.

Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) do Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức.

z5785947347559_aee6caa1ed60855340b67bc94e78dd13.jpg
Không gian triển lãm “Nghiên bút còn thơm”. Ảnh: Linh Tâm

Triển lãm nhằm giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp của nghệ thuật thư pháp quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, cùng sự phối hợp ánh sáng, qua đó tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về thư pháp quốc ngữ.

Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” trưng bày tổng cộng hơn 800 tác phẩm có kích thước lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có 70 tác phẩm chính thức với những nội dung, ý tưởng nghệ thuật cụ thể và 41 tác phẩm nhỏ và 693 tác phẩm được sắp đặt kết hợp tạo thành các điểm nhấn cho triển lãm. Ngoài ra, các dải băng giấy thư pháp với tổng chiều dài 200m được sắp đặt trên mái của khu Thái Học nhằm thể hiện mối liên kết giữa 15 thư pháp gia đến từ ba miền của đất nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: Những tác phẩm thư pháp được trưng bày tại triển lãm lần này không chỉ mang vẻ đẹp truyền thống và đánh thức mỹ cảm hiện đại mà còn nhằm nâng cao nhận thức, hướng công chúng tới sự nhìn nhận, đánh giá cao hơn về vai trò, giá trị của thư pháp quốc ngữ trong bối cảnh hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tạo thêm những triển lãm nghệ thuật chất lượng cao trong chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật, góp phần để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm đến quan trọng, ý nghĩa và mang giá trị hàng đầu cho các hoạt động triển lãm thư pháp.

Nội dung các tác phẩm thư pháp được lấy cảm hứng từ các áng thơ, văn chữ Nôm và chữ quốc ngữ của các tác giả như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh với những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bên cạnh đó, các tác giả còn sử dụng những nội dung văn chương hiện đại viết về Thăng Long, Hà Nội.

z5785947196737_3721672b2cb954110d0e5d3cc4699a9b.jpg
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Linh Tâm

Ngoài phương pháp thể hiện truyền thống với bút lông, mực tàu, các tác giả còn kết hợp ứng dụng công nghệ ánh sáng hiện đại để làm nổi bật vẻ đẹp và nội dung của các tác phẩm thư pháp quốc ngữ, đồng thời mang lại hiệu ứng xem - cảm thụ mới cho công chúng thưởng thức nghệ thuật.

Đây là triển lãm thư pháp quốc ngữ đầu tiên được Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp như một triển lãm nghệ thuật, mỹ thuật.

Tại lễ khai mạc, 5 tác giả có tác phẩm tham dự triển lãm đã có màn trình diễn thư pháp thú vị, kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn với âm nhạc được sáng tác riêng cho buổi khai mạc.

z5785947277569_87ab86d3dd1d240ad05c062775c0a682.jpg
Triển lãm "Nghiên bút còn thơm" thu hút khách tham quan bởi tính thẩm mỹ cao. Ảnh: Linh Tâm

Đặc biệt, nằm trong khuôn khổ diễn ra triển lãm, ngày 14-9, Ban tổ chức sẽ phối hợp cùng giám tuyển và các tác giả tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Thư pháp quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay - Thực trạng và hướng đi”.

Triển lãm kéo dài đến hết 25-9.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm thư pháp “Nghiên bút còn thơm” mở cửa đến 25-9

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.