(HNM) - Từ ngày 2 đến 5-6, Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) lần thứ 24 đã diễn ra tại Nga. Với chủ đề "Cùng nhau trở lại - Thực tế kinh tế mới", sự kiện này được xem là nỗ lực hợp tác của các quốc gia nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế toàn cầu sau những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra.
Diễn đàn sẽ bao gồm 4 chương trình chính: Tham gia các lực lượng để thúc đẩy phát triển; thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia; nhân tố con người trong ứng phó với các thách thức toàn cầu; biên giới công nghệ mới. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quy mô của SPIEF 24 được thu hẹp hơn so với trước, số lượng đại biểu khoảng 5.000 người.
Kể từ năm 1997, Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg đã trở thành nơi dành cho các thành viên của cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ, thảo luận về các vấn đề kinh tế quan trọng. Năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế của các quốc gia phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, SPIEF đã tổ chức hơn 130 sự kiện để thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và doanh nghiệp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)...
Bên cạnh các cuộc đối thoại giữa đại diện cộng đồng doanh nghiệp của châu Phi, Bắc và Nam Mỹ, Đức, Italia, Phần Lan, dư luận cũng chú ý tới cuộc đối thoại kinh doanh giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và ASEAN. Tại đây, các đại biểu đều nhất trí cần đa dạng hóa thương mại để phát triển bền vững, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng y tế, công nghệ số. Việc thúc đẩy hợp tác giữa EAEU (khu vực có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5 nghìn tỷ USD) và ASEAN (GDP khoảng 3 nghìn tỷ USD) sẽ tạo ra “đòn bẩy” lớn cho nền kinh tế thế giới trong thời gian tới.
Phát biểu tại phiên toàn thể SPIEF 24, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra nhận định về những xu hướng tích cực của nền kinh tế thế giới, trong đó tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 dự kiến sẽ đạt mức cao nhất kể từ thập niên 1970. Tuy nhiên đà phục hồi kinh tế toàn cầu không đồng đều, đi kèm với sự gia tăng chênh lệch về mức sống trong mỗi quốc gia, cũng như giữa các quốc gia với nhau.
Nhà lãnh đạo Nga đánh giá đây là những rủi ro nghiêm trọng đối với sự phát triển. Một ví dụ điển hình là vấn đề tiếp cận vắc xin phòng Covid-19. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các quốc gia có thu nhập cao chiếm một nửa số vắc xin sản xuất ra. Chỉ có khoảng 10% người dân trên thế giới đã được tiêm chủng hoặc đã bắt đầu tiêm chủng, trong khi hàng trăm triệu người không tiếp cận được với vắc xin.
Có thể thấy rằng, dù đà phục hồi dự kiến nhanh hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008, nhưng để nền kinh tế toàn cầu có thể hoàn toàn “bình phục”, điều này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hợp tác quốc tế. Giới lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhận định, thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã chịu ảnh hưởng lớn trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Khoảng 90 tỷ USD tiền đầu tư đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, lớn hơn nhiều so với mức thoái vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập niên trước. Thế giới cần 50 tỷ USD đầu tư mới để tăng năng lực sản xuất, bảo đảm các dòng chảy thương mại...
Trong nỗ lực chung nhằm đưa thế giới vượt qua đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2021 tới nay, rất nhiều hội nghị quốc tế đã được tổ chức để thúc đẩy sự gắn kết giữa các quốc gia. Kết quả của SPIEF 24 được xem là một trong những đóng góp không nhỏ để phục hồi kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.