Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm sáng văn hóa của Thủ đô

Minh Ngọc| 26/09/2014 06:46

(HNM) - Phát huy truyền thống anh hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ đã nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội, đưa quận trở thành điểm sáng văn hóa của Hà Nội.


Tiên phong xây dựng mô hình "Phường văn hóa"

Để có một diện mạo đô thị văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được nét thơ mộng như ngày hôm nay, ít người biết rằng quận Tây Hồ ngày nay từng là vùng đất nông nghiệp được hình thành từ 3 phường: Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ của quận Ba Đình và 5 xã Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La, Phú Thượng huyện Từ Liêm.

Một góc phường Quảng An, quận Tây Hồ.


Bà Trần Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo quận Tây Hồ cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, 6/8 phường của quận Tây Hồ ngày nay (Quảng An, Xuân La, Phú Thượng, Nhật Tân, Bưởi, Yên Phụ) đã có 15 lần vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Trong các cuộc nói chuyện với nhân dân, Bác đã động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe, chăm chỉ học hành để kháng chiến, kiến quốc. Ghi nhớ lời dạy của Người, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ ngày nay đã có nhiều sáng tạo trong lao động sản xuất, sinh hoạt, học tập để xây dựng quận ngày một văn minh, hiện đại.

Khi mới thành lập (năm 1995 theo Quyết định số 69-CP ngày 28-10-1995 của Chính phủ), quận Tây Hồ gặp không ít khó khăn, thử thách mang tính đặc thù. Đó là văn hóa đô thị giao thoa, hòa lẫn với văn hóa nông thôn của vùng ven đô vốn tồn tại không ít tập tục lạc hậu. Không ngại khó, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ đã kế thừa, phát huy truyền thống tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa với những hướng đi và cách làm sáng tạo. Một trong những việc làm sáng tạo đó chính là việc tiên phong xây dựng mô hình "Phường văn hóa".

Kể về những ngày đầu, bà Trần Lan Hương cho biết thêm, việc triển khai xây dựng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở các tổ dân phố, khu dân cư đã không mấy dễ dàng, huống chi là xây dựng phường văn hóa. Tuy nhiên, nhận thấy những ý nghĩa thiết thực của phong trào mang lại, Quận ủy đã mạnh dạn ban hành Đề án 03 (ngày 2-4-2009) về xây dựng phường văn hóa trên địa bàn quận với mục đích xuyên suốt là lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng dân cư…

Trên tinh thần đó, UBND quận đã có Quyết định số 3404 ngày 12-11-2012, đề ra 40 tiêu chí rõ ràng, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Đó là, phường văn hóa phải có 100% số hộ, 100% tổ dân phố đăng ký xây dựng các danh hiệu văn hóa và có ít nhất 85% số hộ, 75% số tổ dân phố đạt tiêu chuẩn; không để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình; không có tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm; không phát sinh người nghiện mới… Các thiết chế văn hóa phải đồng bộ, người dân sống và ứng xử văn minh, thanh lịch; không hút thuốc lá tại những điểm cấm hút thuốc; không chèo kéo, ép giá, tranh giành khách du lịch… "Về cơ bản, những tiêu chí này là sự cụ thể hóa các Thông tư, quy định của Bộ VH-TT&DL và UBND TP Hà Nội về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", song có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở", Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ Chu Thị Minh Tân khẳng định.

Sau khi hình thành bộ khung tiêu chí, quận Tây Hồ chọn phường Quảng An để triển khai thí điểm trước khi nhân rộng, rồi đến phường Nhật Tân. Hiện tại, phường Quảng An đã đạt 40/40 tiêu chí, trở thành "Phường văn hóa" đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, còn phường Nhật Tân đang nỗ lực thực hiện những phần việc còn lại, phấn đấu đạt tiêu chuẩn của "Phường văn hóa" vào cuối năm nay.

Tiếp tục nhân rộng

Từ kinh nghiệm xây dựng thành công "Phường văn hóa", Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An Nguyễn Mạnh Trường cho biết: Để người dân hiểu và đồng thuận, cùng với công tác tuyên truyền, các hội, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phường Quảng An luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, cũng như các quy định của TP Hà Nội và quận Tây Hồ. Như Hội Người cao tuổi thực hiện tốt phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", các chi hội và tổ dân phố phối hợp với các tiểu ban quản lý di tích duy trì tế lễ thành hoàng làng vào ngày rằm, mùng một hằng tháng. Sau lễ tế, cấp ủy, chi bộ, các đoàn thể ở khu dân cư phổ biến những công việc chung để mọi người cùng biết và thực hiện. Người cao tuổi cũng là lực lượng chủ chốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, tôn tạo các di tích; xây dựng đường, ngõ xanh, sạch, đẹp; nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực trồng cây, hoa làm đẹp cảnh quan... Hơn thế, Quảng An còn lắp đặt ở các tuyến đường, tổ dân phố những tấm biển quy ước xây dựng đời sống văn hóa với những quy định cụ thể như: "Xây dựng nếp sống văn minh thanh lịch trong xưng hô ứng xử. Nói lời hay, làm việc tốt, phát huy truyền thống quê hương, cội nguồn"… Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên.

Với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa giữ vững thành quả đạt được, "Phường văn hóa" của quận Tây Hồ đang từng bước được triển khai thực hiện. Sau Quảng An và Nhật Tân, quận đang chỉ đạo phường Bưởi, Thụy Khuê, Phú Thượng và Xuân La rà soát các tiêu chí, xem tiêu chí nào đã đạt được, tiêu chí nào chưa đạt để phấn đấu. Các cuộc trao đổi, tọa đàm về cách thức, phương pháp xây dựng phường văn hóa hiệu quả đang được các tổ dân phố, các ban công tác mặt trận, các đoàn thể ở những phường này triển khai sôi nổi. Như vậy, tương lai không xa, Tây Hồ sẽ có thêm nhiều phường văn hóa điển hình. Đây cũng là một trong những cách làm hay được TP Hà Nội khuyến khích thực hiện trong tiến trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cũng là nền móng vững chắc để xây dựng "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị".

Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Trần Lan Hương:Mang lại lợi ích cho người dân
Khó khăn lớn nhất để xây dựng thành công mô hình "Phường văn hóa" là nhận thức từ cán bộ rồi đến các tầng lớp nhân dân về giá trị, ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa chưa tới. Làm thế nào để các tầng lớp nhân dân hiểu việc xây dựng phường văn hóa sẽ mang lại lợi ích cho chính người dân để họ đồng lòng và tự giác thực hiện là điều không dễ dàng. Hơn nữa, trong quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, những vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị và môi trường là điều rất khó tránh khỏi. Nhận thấy những khó khăn đó, không có cách nào khác, Quận ủy, UBND và các ngành, đoàn thể quận Tây Hồ đã vào cuộc quyết liệt, tích cực, thậm chí đôi lúc phải cầm tay chỉ việc.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng văn hóa của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.