(HNM) - Trong năm 2022, Hà Nội ghi dấu ấn trong hoạt động kinh tế, với kết quả ấn tượng và được xác lập trong bối cảnh bất lợi, nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế đó là bài học kinh nghiệm sâu sắc, là hành trang để chính quyền, doanh nghiệp, người dân Thủ đô phát huy, nhân lên trong năm kế hoạch 2023 với những mục tiêu cao hơn...
Những con số ấn tượng
Theo thống kê, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội năm 2022 tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7-7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp. Trên thực tế, cả Thủ đô đang đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng cao và bền vững hơn.
Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết, trong bức tranh kinh tế chung, khu vực dịch vụ năm 2022 tăng 10,06% so với năm 2021. Các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, thông tin… được đẩy mạnh trong trạng thái “bình thường mới”, tạo đà phục hồi ngành thương mại, dịch vụ. Thành phố đã thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng đồng thời kết nối nhanh hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một số ngành dịch vụ tăng cao so với năm 2021, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung, như: Vận tải kho bãi tăng 15,36%; thông tin và truyền thông tăng 6,5%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 40,51%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,19%; bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%...
Điểm sáng kinh tế Thủ đô còn thể hiện ở hầu hết các lĩnh vực khác. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8% so với năm 2021, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Kết quả trên rất khả quan, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp sản xuất đã nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện đạt 333.000 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021. Hà Nội thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 10,3% so với năm 2021; cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021. Đây là những con số ấn tượng, minh chứng cho sức sống kinh tế Thủ đô và là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, năm 2022, chính quyền thành phố Hà Nội đã thực hiện khá tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế. Các hoạt động thương mại, vận tải, xuất, nhập khẩu, du lịch, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm tăng 25,2% so với năm trước, mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây cho thấy sự ấm lên của thị trường và duy trì sức mua trong dân - tiền đề của an sinh xã hội.
Chủ động, duy trì đà tăng trưởng
Tuy vậy, dự báo tình hình sản xuất sẽ khó khăn hơn ngay trong quý I-2023. Các đơn hàng xuất khẩu có xu hướng chậm lại, chi phí đầu vào cho sản xuất chưa có dấu hiệu giảm... Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố chủ trương nắm bắt thông tin, phân tích để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2023, Hà Nội sẽ dồn lực tăng tốc cải cách, phấn đấu cải thiện thứ hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện thủ tục thuế, hải quan, các nghĩa vụ của doanh nghiệp bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nhân cũng như thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo...
Nhiều giải pháp và hoạt động hỗ trợ sẽ tiếp diễn, hướng vào doanh nghiệp để tạo tăng trưởng kinh tế. Đơn cử như Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực, sức cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, việc chính quyền tập trung cải thiện sức cạnh tranh, chủ động cải cách nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp. Một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế giá trị gia tăng dễ tiếp cận hơn cả. Riêng các chính sách hỗ trợ người lao động là nguồn động viên kịp thời và thực tế đang phát huy tác dụng, được người lao động đánh giá cao. Song, các doanh nghiệp cũng mong có các giải pháp căn cơ, phù hợp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam chia sẻ, Sở sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường lao động, hoạt động của khối doanh nghiệp để cập nhật thông tin; sẵn sàng hỗ trợ khi xảy ra tình trạng thiếu việc làm, tổ chức thêm các phiên giao dịch, tuyển dụng lao động ngay từ đầu năm 2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.