Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm đến hấp dẫn của những người yêu di sản

Nguyễn Thanh| 18/02/2019 06:46

(HNM) - Nếu như Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long dựng lại quá trình lịch sử của nhiều triều đại tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long thì cụm tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại đây được đánh giá như một “cuộc đối thoại với di sản” của các nghệ sĩ đương đại.


“Báu vật” dưới lòng tòa nhà Quốc hội

Nằm trong tầng hầm Nhà Quốc hội, Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long do Viện Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam) thực hiện trên tổng diện tích 3,7 nghìn mét vuông, tái hiện sự phát triển lâu dài, liên tục của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long từ thời Đại La (thế kỷ VII-IX) đến thời Lê (thế kỷ XV-XVIII).

Nơi đây trưng bày hàng trăm di vật, di tích khảo cổ, điển hình như: Công trình kiến trúc gỗ, giếng nước cổ, di tích nền móng kiến trúc, đầu rồng, đồ gốm sứ cổ… Đây là kết quả của cuộc khai quật khảo cổ học và xử lý di dời di tích, di vật khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trên tổng quy mô hơn 14 nghìn mét vuông với hàng chục nghìn di vật, di tích được phát hiện.

Không gian trưng bày Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long.


PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành cho biết: "Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long gắn kết chặt chẽ với Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu nhất của khu di sản. Qua đây, công chúng sẽ biết đến nhiều hơn về Kinh đô Thăng Long với những giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu. Dù chưa chính thức mở cửa song hàng tuần, bảo tàng vẫn có hàng chục đoàn khách tham quan không gian trưng bày khảo cổ".

Cùng nằm trong hệ thống tầng hầm tòa nhà Quốc hội, cụm tác phẩm nghệ thuật trưng bày với 35 tác phẩm đặt tại hành lang 3 đường hầm Nhà Quốc hội đã làm tốt nhiệm vụ kết nối không gian Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Tổng Chỉ huy Dự án "Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc hội" cho biết: "Ngoài việc kết nối không gian giữa hai tầng hầm hiện đang là Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, tạo nên một quần thể văn hóa hoàn chỉnh, những không gian trưng bày này còn thể hiện những cuộc đối thoại thú vị giữa di sản với đời sống đương đại. Nói cách khác, đó là sự gắn kết văn hóa truyền thống và hiện đại thông qua các tác phẩm nghệ thuật".

Nóng lòng chờ ngày mở cửa

Phủ kín hơn 500m chiều dài không gian 3 đường hầm Nhà Quốc hội, những tác phẩm, cụm tác phẩm tại tầng hầm Nhà Quốc hội sắp đặt kích thước lớn đã biến nơi đây thành một bảo tàng nghệ thuật đương đại. Ở đó, người xem cảm nhận được sự tài tình, khéo léo của các nghệ sĩ qua nỗ lực kể chuyện lịch sử bằng nghệ thuật sắp đặt.

Có thể kể đến tác phẩm “Thành bậc điện Kính Thiên” thông qua thủ pháp đồ họa chạm khắc trên vật liệu dẫn sáng gợi nhớ hình ảnh tòa điện quan trọng bậc nhất trong quần thể Hoàng thành Thăng Long xưa; tác phẩm “Mảnh thời gian” tạo hình bằng 240 bức tranh sơn mài lấy cảm hứng từ những di vật thời Lý - Trần; tác phẩm “Lịch sử soi chiếu” với hình thức sắp đặt hiện đại qua hình ảnh phản chiếu những tấm bia Tiến sĩ cùng câu nói bất hủ “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”… Đi qua con đường nghệ thuật đó, du khách sẽ đặt chân đến với không gian Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đánh giá: "Dự án "Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc hội", ngoài việc giúp cho không gian đường hầm Nhà Quốc hội thêm sinh động, hấp dẫn còn có nhiệm vụ kết nối với không gian di sản tại Bảo tàng Khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long. Những công trình này được tạo dựng ngay trên nền móng kiến trúc từ thời Đại La đến Lý, Trần, Lê càng mang ý nghĩa đặc biệt, hứa hẹn trở thành một trong những điểm đến văn hóa lịch sử nghệ thuật độc đáo nhất ở Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: "Khi thực hiện công trình dưới hầm Nhà Quốc hội, dự án cũng tính đến việc đưa trưng bày đó kết nối với Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, tạo thành chuỗi hoạt động du lịch kết nối giữa di sản với những sản phẩm nghệ thuật, kể câu chuyện sinh động về di sản. Sự tương tác kết nối từ không gian cổ đại đến đương đại của 2 công trình chắc chắn sẽ mang lại cho người xem một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, giống như một chuyến du hành kết nối mạch nguồn cảm hứng từ lịch sử huy hoàng tới cách nhìn đầy sáng tạo của những nghệ sĩ đương đại. Việc mở cửa không gian trưng bày, phục vụ rộng rãi công chúng sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong việc giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa dân tộc".

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, hiện Dự án “Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc hội” đã chính thức được bàn giao cho Văn phòng Quốc hội. Văn phòng Quốc hội cũng đã có kế hoạch đưa không gian nghệ thuật này vào điểm đến đầu tiên của tuyến tham quan Nhà Quốc hội trong thời gian tới. Cùng với đó là việc tăng cường quản lý, sử dụng nhằm phát huy cao nhất giá trị của các tác phẩm nghệ thuật, tạo thêm một điểm du lịch cho TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Các không gian văn hóa, lịch sử, nghệ thuật này sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn của những người yêu di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm đến hấp dẫn của những người yêu di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.