Không chỉ là một bảo tàng chuyên đề thuộc sở hữu tư nhân đầu tiên về văn hóa Mường ở Việt Nam, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường còn là một điểm đến độc đáo, thú vị - nơi du khách khó có thể bỏ qua khi đến với thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường có địa chỉ tại số 202 đường Tây Tiến (phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình). Nơi đây cũng là “bản doanh” của họa sĩ Vũ Đức Hiếu - người sáng lập bảo tàng và có cái tên “dân gian” là “Hiếu Mường”. Bảo tàng là một công trình văn hóa, nghệ thuật được chính chủ nhân - họa sĩ Vũ Đức Hiếu thiết kế và xây dựng bắt nguồn từ niềm đam mê của anh, với khát vọng bảo tồn và tái hiện toàn bộ không gian sống của người Mường.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu sinh năm 1977 tại Hà Nội, lớn lên và trưởng thành ở Hòa Bình. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Văn hóa Mường đã ngấm sâu vào anh từ những năm tháng ở Hòa Bình, trở thành niềm đam mê, cùng những nghiên cứu, khám phá, tìm tòi... Sau một thời gian công tác ở Hà Nội, anh quyết định trở lại Hòa Bình và ấp ủ xây dựng một bảo tàng văn hóa Mường. Anh đã có nhiều chuyến lang thang điền dã ở các xứ Mường Hòa Bình như Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động để tìm hiểu và thẩm thấu văn hóa Mường, đồng thời sưu tầm hàng trăm hiện vật liên quan đến dân tộc Mường và văn hóa Mường. Mọi thứ không hề dễ dàng nếu không nói là quá nhiều khó khăn khi chỉ có một mình anh thực hiện tất cả các công việc. Nhưng vượt qua tất cả, Vũ Đức Hiếu đã biến giấc mơ thành hiện thực.
Sau hơn 10 năm với những nỗ lực bền bỉ không mệt mỏi trong việc sưu tầm hiện vật và quy hoạch - xây dựng, ngày 16-12-2007, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường được khai trương và chính thức đi vào hoạt động.
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường là một quần thể nhiều hạng mục công trình kiến trúc tọa lạc trên khu đất rộng 5ha. Các công trình có bố cục phân tán nương theo những triền dốc và hòa lẫn với cây xanh. Vị trí của các công trình được bố trí khéo léo theo một tuyến tham quan, mà ở đó du khách có thể tiếp cận lần lượt theo trình tự khoa học, dễ hiểu, dễ nhớ.
Linh hồn của bảo tàng là 4 ngôi nhà sàn Mường cổ đều là những hiện vật thực được sưu tầm trong dân gian. Đó là: Nhà Lang (tầng lớp thống trị cao nhất), Nhà Ậu (tầng lớp giúp việc cho Lang), nhà Noóc (thường dân), nhà Noóc trọi (giai cấp bị xã hội không thừa nhận), phản ánh rõ nét về các tầng lớp giai cấp trong xã hội Mường thu nhỏ trước năm 1954.
Bên cạnh đó là các nhà trưng bày hiện vật của dân tộc Mường. Có thể thấy ở đây một bức tranh thu nhỏ xã hội Mường với những hiện vật liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người Mường như các loại đồ dùng sinh hoạt, nông cụ, ngư cụ, nhạc cụ, y phục, vũ khí..., các nghi lễ cưới xin, tang ma, thờ cúng, Tết. Ở phòng trưng bày, mỗi hiện vật đều ghi rõ tên, địa chỉ của chủ nhân hiện vật đó để người xem có thể hiểu thêm về xuất xứ của chúng.
Với Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã vinh dự nhận được Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2013 và Giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 nhờ những nỗ lực không ngừng của bản thân trong việc bảo tồn nền văn hóa Mường, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể đến với thế giới và đưa nghệ thuật đương đại đến với công chúng.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu chủ trương xây dựng Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường là một không gian “sống” với nhiều hoạt động. Chính vì vậy, bên cạnh bốn ngôi nhà sàn Mường cổ và hai nhà trưng bày hiện vật, trong khuôn viên còn có nhiều công trình khác, không chỉ mang ý nghĩa về cảnh quan mà còn là nơi thăm viếng, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật và tạo nên sự tương tác của khách tham quan. Đó là các công trình: Nhà tiếp đón, nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật đương đại, vườn tượng điêu khắc, xưởng gốm, vườn thuốc nam... Cùng với đó là hai công trình tâm linh được đặt ở vị trí trang trọng trên đồi cao là Đền thờ Bà chúa Mường và chùa Phượng Sơn. Kiến trúc các công trình đều mang đậm dấu ấn bản địa. Nơi đây cũng là trại sáng tác nghệ thuật, triển lãm thu hút nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, bảo tàng không đơn điệu mà luôn có sự sống động và đầy sức hút.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu tự nhận mình là người con của xứ Mường. Anh có vẻ kiệm lời, nhưng chân tình khi trò chuyện. Có lẽ bởi những câu chuyện quanh anh và “Mường” đã quá nhiều. Trên bàn tiếp đón ở “Mường”, có cả một cuốn sách có nhan đề: “Hiếu Mường và những giai thoại” tập hợp những bài báo viết về anh. Còn chị Trương Thị Hải Vân - vợ anh, vừa là quản lý, vừa là hướng dẫn viên bảo tàng.
Thời gian đầu, để không gian bảo tàng luôn “sống”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã mời một số gia đình người Mường xuống ăn ở, sinh hoạt trong những ngôi nhà Mường. Nhưng việc ấy không thể kéo dài mãi... Đến năm 2017, Mường Retreat - dịch vụ lưu trú đi vào hoạt động đã làm cho cả quần thể luôn tràn đầy sức sống và sự gần gũi. Bây giờ tới “Mường”, du khách dễ cảm nhận một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hài hòa cùng những nét kiến trúc và văn hóa bản địa; có nhiều điều để tìm hiểu và khám phá. Ở đó, bà chủ luôn thường trực nụ cười đón khách, và “ông chủ” thì tối ngày mê mải trong xưởng gốm. “Mường” không chỉ là một bảo tàng mà ai đã tới, sẽ chẳng thể quên...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.