Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ miễn phí qua mạng di động: Cần môi trường để phát triển

Việt Nga| 16/09/2013 06:32

(HNM) - Nếu như trước đây khi đề cập tới dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng di động (dịch vụ OTT), lãnh đạo các nhà mạng lớn đều tỏ thái độ phản đối thì hiện đang có quan điểm ngược lại.

Cú hích để thay đổi

Trước hết, như đã nhiều lần đề cập, dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng di động (với điều kiện điện thoại có 3G hoặc wifi) đang ngày càng được nhiều người sử dụng. Vì vậy, "nó" đã, đang là nguyên nhân khiến các nhà mạng trên thế giới bị "mất" doanh thu. Cụ thể, theo báo cáo của một hãng nghiên cứu thị trường Ovum, năm 2012 các nhà mạng toàn cầu thiệt hại khoảng 23 tỷ USD vì những ứng dụng OTT; còn tại thị trường trong nước, đại diện Viettel cho rằng DN này bị mất khoảng 1.500 tỷ đồng/năm 2013, đại diện MobiFone ước tính bị thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng/năm…Những dẫn chứng này cho thấy nguyên nhân vì sao các nhà mạng từng bộc lộ thái độ "ghét" OTT như vậy.

Dịch vụ OTT sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành viễn thông. Ảnh: Trần Hải


Tại cuộc tọa đàm về "Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nhận định: Hãy coi OTT là một cuộc "cách mạng" trong lịch sử 100 năm của ngành viễn thông. Vì nhờ có OTT, các DN cung cấp dịch vụ di động sẽ chuyển từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ phi thoại. Khi đó, biểu đồ doanh thu của các DN sẽ được chia như sau: 1/3-1/4 từ dịch vụ thoại, 1/3 từ data (dữ liệu) và 1/3 còn lại là từ phát triển các dịch vụ mới... thay cho doanh thu hiện nay chiếm tới 80% (hơn 2/3) từ thoại. Như vậy, OTT sẽ là cú hích để nhà mạng thay đổi. Các bên nên tạo một không gian để cho các dịch vụ OTT phát triển, đồng thời cần đưa OTT vào khuôn khổ để quản lý (OTT hiện là dịch vụ "ba không": Không hợp tác với nhà mạng, không quản lý và không biên giới).

Phó Tổng Giám đốc MobiFone Nguyễn Đình Chiến đề xuất quan điểm quản lý với OTT khi cho rằng, các DN cung cấp dịch vụ OTT cũng phải có giấy phép hoạt động (như các DN viễn thông) và phải chịu sự quản lý về giá, về chất lượng… và cơ quan quản lý nhà nước phải có những quy định để tạo sân chơi rõ ràng vì nếu không, các nhà mạng sẽ không đủ tiềm lực để đầu tư phát triển mạng 4G trong tương lai. Đại diện Vinaphone cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để quản lý dịch vụ OTT và trong mô hình hợp tác giữa nhà mạng và DN cung cấp OTT, phải lưu ý đến các giải pháp kỹ thuật kết nối giữa hai bên để tránh xảy ra lỗi làm ảnh hưởng đến hàng chục triệu khách hàng.

Chọn mô hình hợp tác

Với kinh nghiệm của DN toàn cầu chuyên cung cấp công nghệ và dịch vụ truyền thông, lãnh đạo Ericsson Việt Nam đề xuất 5 mô hình hợp tác giữa các nhà mạng và DN OTT (dựa trên sự tổng hợp từ cách thức khai thác OTT của 45 nhà mạng trên toàn cầu), cụ thể: Thứ nhất, nhà mạng sử dụng thương hiệu OTT được ưa chuộng để tạo các gói cước cung cấp dịch vụ OTT, nhờ đó thu hút thêm thuê bao và tăng trưởng doanh thu về dữ liệu; thứ hai, nhà mạng mua lại công nghệ OTT để cung cấp dịch vụ OTT cho các thuê bao của mình; thứ ba, nhà mạng đóng vai trò bán buôn cung cấp dung lượng cho OTT, thương hiệu OTT được giữ nguyên; thứ tư, hai bên hợp tác dùng cả hai thương hiệu để bán dịch vụ có sẵn của OTT - cùng chia sẻ doanh thu; thứ năm, hợp tác giữa hai bên để tạo các dịch vụ mới, có thể dùng chung thương hiệu hoặc tạo ra một thương hiệu mới - cùng chia sẻ doanh thu trên dịch vụ mới đó. Về vấn đề này, đại diện Cục Viễn thông cho biết sẽ nghiên cứu các đề xuất, sau đó đưa ra chính sách tổng quan ban đầu vừa tạo điều kiện cho dịch vụ OTT phát triển, vừa bảo đảm doanh thu cho nhà mạng. Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho rằng, phải quản lý dịch vụ này như với dịch vụ viễn thông song cũng phải có lộ trình hợp lý, bên cạnh đó cần cân nhắc việc quản lý dịch vụ này, DN cung cấp OTT dựa trên các cam kết quốc tế…

Dịch vụ OTT là một ứng dụng tiến bộ vượt trội của khoa học - công nghệ, hơn nữa nó lại đem đến lợi ích thiết thực cho người sử dụng, trở thành dịch vụ thân thiện với khách hàng. Tuy nhiên, dịch vụ này lại "ký sinh" trên mạng viễn thông, như vậy Nhà nước cần có chính sách quản lý phù hợp nhằm tạo điều kiện cho cả dịch vụ lẫn nhà mạng phát triển bền vững. Một yếu tố nữa không thể không kể đến là việc có các quy định quản lý dịch vụ OTT cũng là cách bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho chính người sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ miễn phí qua mạng di động: Cần môi trường để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.