(HNMO) - Ngày 21-9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã. Tại hội nghị, các chuyên gia đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết và các giải pháp để tránh "dịch chồng dịch".
Dịch sốt xuất huyết có thể đạt đỉnh vào tháng 10 tới
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến giữa tháng 9-2020, nước ta ghi nhận 70.585 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 64,8% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tập trung nhiều tại miền Trung (hơn 23.000 ca mắc) và miền Nam (hơn 40.000 ca mắc). Riêng trong 3 tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố: Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Đánh giá về tình hình dịch sốt xuất huyết trong năm nay, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, không có sự bất thường về diễn biến dịch, tuýp lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 (chiếm 90%). Xu hướng số ca mắc tăng trong các tuần gần đây cơ bản cũng như các năm trước, giai đoạn trước. Ngoài ra, tỷ lệ nhóm tuổi mắc sốt xuất huyết không có khác biệt so với các năm trước. Tại khu vực miền Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, số ca mắc chủ yếu ở người lớn; còn ở khu vực miền Nam, tỷ lệ mắc có xu hướng tăng dần ở nhóm trên 15 tuổi.
Tuy nhiên, ông Đặng Quang Tấn lưu ý, thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết thời gian qua do sự chủ quan, chưa huy động được sự phối hợp, chủ động của các ban, ngành, đoàn thể. Các chiến dịch diệt bọ gậy mang tính hình thức và không duy trì được lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề khó khăn nhất trong phòng, chống dịch hiện nay là kinh phí liên tục bị cắt giảm. Kinh phí tại nhiều địa phương rất hạn chế hoặc cấp muộn và định mức chi (như công phun hóa chất) rất thấp.
"Hiện đang là mùa mưa, hoạt động giao lưu, đi lại và tập trung đông người tăng do đã nới lỏng giãn cách xã hội. Chính vì vậy, số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống. Dự kiến, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ đạt đỉnh vào tháng 10, tháng 11 tới", ông Đặng Quang Tấn nhận định.
Giám sát truyền bệnh phải đặt lên hàng đầu
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đã trở thành vấn đề toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, số ca mắc ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, cứ 5-10 năm có một đỉnh dịch. Để phòng dịch, việc diệt bọ gậy, loăng quăng phải diễn ra kiên trì, thường xuyên, trong đó tuyến xã, phường là quan trọng. Nếu hoạt động này làm tốt thì sẽ bớt đi việc xử lý dịch ở tuyến trên.
PGS.TS Phan Trọng Lân lưu ý, mỗi khu vực có nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết khác nhau. Do đó, cần đánh giá khu vực nguy cơ để tiếp cận tuyên truyền, xử lý dịch hiệu quả, trong đó việc giám sát véc tơ (muỗi truyền bệnh) phải đặt lên hàng đầu. Khi chúng ta làm tốt việc giám sát, cắt đứt đường lây truyền, các ca bệnh sẽ giảm.
"Sốt xuất huyết là bệnh theo mùa nên từ nay đến tháng 12, số ca mắc dự báo sẽ tăng theo tuần. Mỗi gia đình phải là một pháo đài phòng, chống sốt xuất huyết. Hằng tuần, các cơ quan, công sở, đơn vị và mỗi người dân dành 15 phút để tìm và diệt các ổ bọ gậy, loăng quăng nơi làm việc, sinh sống. Khi không có loăng quăng, bọ gậy, sẽ không có sốt xuất huyết", PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm từng bước được kiểm soát, đặc biệt kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với điều kiện khí hậu mùa thu - đông, rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm, như sốt xuất huyết, bạch hầu... phát sinh và phát triển. Cùng với đó vẫn còn những vùng lõm, chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng như mong muốn, vì vậy có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, toàn ngành triển khai các biện pháp phòng, chống, không để xảy ra tình trạng "dịch chồng dịch". Các địa phương không được lơ là, chủ quan để tránh tái bùng phát ổ dịch bạch hầu, sốt xuất huyết, Covid-19...
Hà Nội ghi nhận thêm 393 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 14-9 đến 20-9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 393 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 6 trường hợp so với tuần trước đó. Các ca mắc phân bố tại 157 xã, phường, thị trấn. Như vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, thành phố ghi nhận 2.594 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.