(HNMO) - Đại dịch Covid-19 khiến mọi người từ bỏ điện thoại di động và máy tính bảng, để trở lại làm việc kiếm sống, giao tiếp xã hội bên những chiếc máy tính cá nhân.
Trong bối cảnh đó, những cỗ máy cồng kềnh, thô ráp tưởng chừng “hết thời” đã trỗi dậy, chứng tỏ được rằng tính thực dụng truyền thống hoàn toàn áp đảo vẻ đẹp quyến rũ hay những tiện nghi công nghệ hào nhoáng. Thực tế này giúp hầu hết các nhà sản xuất linh kiện máy tính cá nhân lớn ghi nhận doanh thu tăng vọt trong quý đầu năm 2020.
Intel cho biết, doanh thu của hãng tăng 23%, trong đó riêng các nguồn thu liên quan tới máy tính cá nhân tăng 14%. Thông báo của hãng nêu rõ, đây là kết quả của việc “người dùng và các doanh nghiệp vẫn cần tới máy tính cá nhân để làm việc và học tập tại nhà”.
Tương tự, AMD cũng ghi nhận doanh số cao hơn, với sức tăng trưởng trong quý đầu năm 2020 đạt 73% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó thế hệ vi xử lý Ryzen mới và các linh kiện thuộc mảng máy tính xách tay có đóng góp đáng kể.
Samsung, "người khổng lồ" trong lĩnh vực linh kiện máy tính cá nhân và máy chủ, cũng ghi nhận doanh thu tăng trong những tuần vừa qua. Đại gia công nghệ Hàn Quốc nhận định: “Sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động làm việc từ xa, giáo dục qua mạng và các dịch vụ truyền tải nội dung trực tuyến đã giúp nhu cầu linh kiện như bộ nhớ máy tính DRAM tăng lên”. Tương tự, nhà sản xuất ổ cứng Western Digital cũng ghi nhận mức tăng cao hơn kỳ vọng đối với nhu cầu các thiết bị lưu trữ máy tính xách tay.
Thậm chí, những dòng máy tính lạ như Chromebook cũng hưởng lợi từ Covid-19. Theo Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai, nhu cầu đối với những chiếc máy tính chủ yếu sử dụng ứng dụng điện toán đám mây này tăng chóng mặt trong tháng 3 so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella, chỉ trong 2 tháng qua, tập đoàn phần mềm hàng đầu nước Mỹ đã ghi nhận sự chuyển mình, lẽ ra kéo dài trong 2 năm, của thị trường máy tính, bao gồm cả việc tăng nhu cầu đột biến đối với các ứng dụng Office (cả phiên bản dành cho người dùng phổ thông lẫn khối doanh nghiệp).
Sự sôi động ở thị trường máy tính cá nhân hoàn toàn trái ngược với thị trường thiết bị di động trong “bão” Covid-19. Dịch bệnh đã xóa nhòa những chu trình quen thuộc, như nâng cấp lên “đồ chơi” mới sau 1-2 năm của sản phẩm di động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, trong đó có việc chuỗi cung ứng tại Trung Quốc bị ảnh hưởng gây đình trệ trong xuất xưởng các sản phẩm mới. Ngoài ra, khi người dùng “mắc kẹt” tại nhà, việc sử dụng điện thoại di động trở nên kém thuận tiện hơn so với máy tính cá nhân. Đó là chưa kể tới việc thu nhập bị ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh khiến nhiều người cân nhắc cẩn trọng hơn trong việc lên đời các loại phụ kiện di động.
Kinh tế suy thoái còn khiến việc kinh doanh các mẫu điện thoại có giá trên 1.500 USD (tương ứng hơn 30 triệu đồng) trở nên không mấy thuận lợi. Đây cũng là lý do Apple chọn tung ra iPhone SE, trong khi Google tập trung tiếp thị Pixel 4A, Samsung hướng tới dòng A phổ thông, là những sản phẩm có giá rẻ hơn rất nhiều so với iPhone 11 Pro Max hay Galaxy S20 Ultra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.