(HNMO) - Năm 2022 chứng kiến mức lao dốc chưa từng thấy của thị trường máy tính cá nhân toàn cầu.
Theo số liệu của các đơn vị nghiên cứu thị trường Gartner và IDC, tổng số máy tính cá nhân (máy để bàn, máy xách tay, máy tính bảng...) tới tay khách hàng trong quý IV-2022 đã giảm tới 28% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức giảm cao nhất từng được ghi nhận kể từ thập niên 1990 tới nay. Như vậy, số máy tính bán ra trong toàn năm 2022 chỉ đạt 286,2 triệu chiếc, giảm tới 16,2% so với năm 2021.
Giữa suy thoái chung, nhiều nhà sản xuất “lao dốc” nhanh hơn so với mặt bằng. Ba thương hiệu lớn Lenovo, HP, Dell lần lượt chứng kiến mức giảm từ 29% đến 37% trong quý vừa qua. Đáng ngại nhất là Acer, với doanh số giảm tới 41%. Ở vị trí thứ tư, Apple ít bị ảnh hưởng hơn cả, với mức giảm chỉ 10%.
Trong đó, Lenovo vẫn là tên tuổi đứng đầu về thị phần, bán ra khoảng 24% máy tính cá nhân trên toàn cầu, dẫn trước HP (20,2%), Dell (16,7%), Apple (10,7%), ASUS (7,5%), Acer (5,5%)...
Trong khi đó, xét từng khu vực, châu Phi, châu Âu và Trung Đông có doanh số lao dốc gần thẳng đứng, thấp hơn tới 37% so với năm 2021. Theo Gartner, mức giảm này đồng nghĩa thị trường máy tính các khu vực này đã "đóng băng". Còn thị trường máy tính Mỹ chứng kiến quý suy giảm thứ sáu liên tiếp, với mức giảm hơn 20% trong quý IV-2022.
Việc kinh doanh máy tính cá nhân sa sút trong năm 2022 có nhiều nguyên nhân. Mức giảm mạnh một phần do dư âm của năm 2021 - giai đoạn thị trường khởi sắc do người dùng có xu hướng mua sắm phục vụ nhu cầu làm việc từ xa.
Tuy nhiên, thực tế là năm 2022 dù tình hình dịch bệnh đã phần nào cải thiện nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn suy giảm do chiến tranh, lạm phát… khiến chi tiêu cho máy tính cá nhân bị hạn chế đáng kể.
Nhiều khách hàng tiềm năng thực tế đã có máy tính mua trong làn sóng năm 2021 hoặc không còn kinh phí dồi dào để mua trong năm 2022. Điều này đặc biệt thấy rõ trong khối doanh nghiệp, với hầu hết các đơn vị đang kéo dài vòng đời khấu hao trang thiết bị, trì hoãn giải ngân mua sắm...
Nhìn về tương lai, giới chuyên môn tỏ ra không lạc quan, với hầu hết các dự báo cho rằng thị trường chỉ có thể vượt đáy ít nhất là năm 2024 - một phần nhờ chu kỳ nâng cấp. Trong bối cảnh đó, các ý kiến cho rằng những nhà sản xuất sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong năm 2023, với các phát kiến sản phẩm thực sự ấn tượng và cơ chế giá hấp dẫn mới có thể thuyết phục được người tiêu dùng, qua đó bảo đảm doanh số và nguồn thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.