(HNM) - Con tàu kinh tế Việt Nam đang ra biển lớn, hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu và đương nhiên phải chịu tác động của quy luật thị trường. Thế nhưng trong nội tại nền kinh tế Việt Nam đang ẩn chứa không ít nghịch lý. Giá vàng liên tục
Những ngày này, người dân đổ xô đi mua ngoại tệ, trong khi nhiều doanh nghiệp không có đủ lượng USD cho nhu cầu ngày một cao vào dịp cuối năm. Lượng ngoại tệ trong ngân hàng cũng không dư dả, chí ít trong thời điểm này. Thế là giá USD tăng chóng mặt, gây ra những hiệu ứng tiêu cực cho thị trường ngoại hối và cả nền kinh tế. Một điều đáng nói là trên thị trường thế giới, giá USD đang liên tục giảm, thậm chí tại LB Nga, người ta không nhận thanh toán bằng đồng USD vì lo ngại mất giá. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với chính sách nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, USD có thể bị giảm giá tới 20% trong thời gian tới.
Trên thị trường thế giới, USD mất giá, vàng lên giá, còn với Việt Nam, giá USD tăng, giá vàng cũng tăng và tiền đồng Việt Nam (VND) mất giá một cách bất bình thường.
Đây là một nghịch lý nếu nhìn nhận theo quy luật thị trường. Thế nhưng ở ta nhiều khi rất khó nói đến hai từ "quy luật".
Tình trạng khan hiếm USD đã được các chuyên gia kinh tế cảnh báo từ đầu năm, để tránh lãi suất tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã ào ạt vay USD nhưng không sử dụng cho sản xuất kinh doanh mà bán ra thị trường, tạo nguồn cung giả khiến giá USD thị trường tự do nhiều khi thấp hơn ngân hàng. Các khoản vay ngoại tệ này thường ngắn hạn, do vậy, đến khi đáo hạn, họ phải mua lại USD trả nợ ngân hàng, dẫn tới nguồn cung cạn kiệt trong khi cầu tiếp tục tăng, đặc biệt vào dịp cuối năm. Và đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới nghịch lý nêu trên.
Từ thực tế đó, trên thị trường đang có sự mất cân đối về cung cầu ngoại tệ cục bộ. Nguyên nhân, theo nhiều chuyên gia tài chính, bắt nguồn từ sự điều hành thiếu linh hoạt chính sách tiền tệ, lãi suất dẫn đến những hành xử trái ngược của người dân đối với các đồng tiền. Bên cạnh đó, sức ép giảm lãi suất tín dụng tiền Việt cũng làm cho uy tín VND bị giảm đáng kể, nhất là khi lạm phát có xu hướng vượt quá 8%.
Cũng theo nhiều chuyên gia tài chính, USD đang yếu đi, VND không yếu đến mức phải điều chỉnh tỷ giá. Trong khi đó, nếu nói điều chỉnh tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu thì đây không phải là công cụ mạnh để làm việc đó. Nói là để hạn chế nhập siêu thì trên thực tế việc nhập siêu cũng đã được hạn chế, tốc độ nhập siêu cả về tương đối lẫn tuyệt đối đã giảm so với kế hoạch ban đầu.
Một thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đến mức đáng báo động so với mục tiêu kiểm soát lạm phát đang đặt ra nhiều vấn đề. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ giảm bớt áp lực lên tỷ giá và đây là biện pháp tích cực để ngăn chặn lạm phát. Chính phủ cũng đã có những chính sách điều chỉnh tiền tệ như tăng lãi suất cơ bản và can thiệp thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, nếu chúng ta có những chính sách linh hoạt hơn chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn.
Nghịch lý trên thị trường ngoại hối đang đặt ra nhiều vấn đề, những biện pháp điều chỉnh của Chính phủ có thể mang lại sự ổn định trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài lại là chuyện khác. Nếu không giải quyết ổn thỏa các nghịch lý trong nội tại nền kinh tế, nghĩa là chúng ta vẫn đi… bên lề quy luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.