(HNM) - Đầu Xuân 2015, trên đường lên động Hương Tích (Chùa Hương), Hương Quỳnh - sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật, làm quen với một nữ du khách. Bạn đồng hành của Quỳnh cho biết, năm nào cũng lên chùa vãng cảnh, có năm đôi ba lần. Năm ấy, cô quyết định đi vào đầu Xuân để một lần biết cảm giác trẩy hội...
Trên đường đi, Quỳnh để ý cô bạn có một hành vi khá lạ. Ấy là cứ mỗi khi ăn uống gì xong, nếu có rác là cô lại cho vào chiếc túi đeo ngang vai, qua thùng rác cũng không vứt vào.
- Thùng rác kia, sao chị không vứt vào cho đỡ vướng - Tưởng bạn mải chuyện quên không vứt rác, Quỳnh nhắc.
- Mình không vứt rác ở đây đâu. Mình mới phát hiện tất cả rác ở chùa, dù đã được cho vào thùng rác, người ta cũng đổ ra hẻm núi phía sau các sạp hàng. Mình mang về nhà, hoặc trên đường thấy chỗ nào phù hợp thì bỏ vào đấy.
- Nhưng mỗi chị làm vậy thì có giải quyết được gì đâu?
- Vấn đề là thế đấy. Người thì vô tư vứt rác, chỗ nào cũng vứt. Người thì tặc lưỡi "tý rác này thấm vào đâu". Ai cũng nghĩ thế nên chẳng mấy nữa sau dãy sạp hàng sẽ mọc lên những "ngọn núi rác"... Mình chẳng làm được gì nhiều, nhưng cũng không muốn "góp phần" trong "ngọn núi rác" ấy.
Nghe bạn nói, bất giác Quỳnh vội chạy lại thùng rác, nhặt lại vỏ chai nước khoáng vừa vứt, rồi bỏ vào ba lô...
"Chuyến đi trẩy hội ấy, ngoài mấy món quà mua về cho các cháu, tôi còn đem được cả một túi rác nho nhỏ về nhà, Người Xây Dựng ạ!".
Nghe cô sinh viên kể lại câu chuyện đẹp năm trước, Người Xây Dựng tìm hiểu thêm thì được biết - Phương, tên cô gái, hiện là chủ nhân của một chuỗi cửa hàng kinh doanh trên đường La Thành (quận Đống Đa).
Mùa lễ hội mới đã đến, hy vọng bài học bổ ích về ứng xử với môi trường sẽ góp phần làm đẹp thêm nét văn hóa của lễ hội, văn hóa của người Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.