Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dẻo thơm bánh chưng Tranh Khúc

Chí Kiên| 23/01/2017 05:51

(HNM) - Thôn Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) những ngày giáp Tết nhà nào cũng chất đầy lá dong, gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh. Mùi thơm ngào ngạt từ những nồi bánh chưng tỏa hương, hòa quyện với những cơn mưa phùn se lạnh, khiến ta cảm thấy không khí Tết đã đến rất gần...

Cơ sở sản xuất bánh chưng của bà Lý Thị Diệp ở thôn Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì).


Tết về sớm ở Tranh Khúc

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lý Thị Diệp, chủ một cơ sở gói bánh chưng có tiếng trong thôn Tranh Khúc được chứng kiến không khí tất bật, đông đúc hơn hẳn ngày thường. Các thành viên gia đình ai nấy đều tất bật, luôn chân luôn tay. Hình ảnh ấn tượng với chúng tôi là các công đoạn được phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn đến mức có cảm giác như “nhắm mắt” ai cũng gói được bánh. Từ việc ngâm gạo, rửa lá dong, thái thịt, tước lạt giang, đồ đỗ đến gói bánh, luộc bánh và vớt bánh được thực hiện tỉ mỉ, thận trọng. Hôm chúng tôi đến, gia đình bà Diệp đã có hàng trăm chiếc bánh gói từ đầu giờ chiều được xếp gọn gàng ở góc sân, ở phía trong hai người đang xếp bánh vào nồi để luộc. Bà Lý Thị Diệp cho biết: “Vào vụ Tết gia đình làm đến hàng nghìn chiếc bánh với đủ chủng loại kích cỡ, tùy theo nhu cầu của khách đặt”. Những ngày cận Tết số lượng bánh đặt tăng theo cấp số nhân, trung bình cơ sở của bà Diệp gói từ 500 đến 1.000 chiếc bánh một ngày. Vì số lượng bánh đặt lớn nên trong những ngày này phải huy động tất cả thành viên bên nội, bên ngoại đến giúp đỡ.

Một điều đặc biệt đối với nghề gói bánh chưng ở Tranh Khúc là người gói bánh không cần dùng khuôn nhưng mỗi tiếng đồng hồ họ có thể làm ra từ 80 đến 120 chiếc bánh vuông vức. Người gói thao tác chặt tay, đúng quy cách, đong đúng trọng lượng, luộc phải đủ giờ. Làm bánh chưng tưởng như đơn giản nhưng thực ra đòi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần lá không sạch hay pha nước không đúng giờ cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Bà Lý Thị Diệp bật mí: “Trong các công đoạn, việc gói bánh và chế biến nhân đỗ được giao cho những người tay nghề vững và nhiều kinh nghiệm nhất, vì đòi hỏi kỹ thuật cao và quyết định phần lớn chất lượng chiếc bánh làm ra có ngon hay không”. Một điều quan trọng không kém nữa để có chiếc bánh ngon là khâu tuyển chọn nguyên liệu. Từng chiếc lá dong, từng hạt gạo, hạt đỗ, miếng thịt, tất cả đều được lựa chọn một cách tỉ mỉ, kỹ càng. Lá dong phải to đều, màu xanh thẫm, không bị rách, được rửa sạch sẽ. Người thôn Tranh Khúc thường chọn gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu (Nam Định) và một số nơi thuộc Thái Bình, Hải Dương; đỗ xanh chọn loại hạt tiêu rất mẩy, thơm và ngậy; thịt lợn thường được người dân đến các cơ sở mổ lợn sạch để mua.

“Chúng tôi sản xuất ra hàng nghìn chiếc bánh nhưng không vì thế mà bỏ qua các tiêu chuẩn; phải luôn kỹ lưỡng trên từng chiếc bánh, như gửi gắm hết tâm huyết của mình vào trong đó vậy!” - bà Lý Thị Diệp chia sẻ về nghề làm bánh gia truyền có từ hàng trăm năm nay của dân làng Tranh Khúc.

Làng Tranh Khúc làm bánh chưng quanh năm. Ngày Tết thì mọi ngõ ngách, mọi nẻo đường và trong các gia đình ở Tranh Khúc dù ít dù nhiều, đều gói bánh chưng để bán đi muôn nơi. Chị Nguyễn Huệ Thu có nhiều năm gói bánh chưng, chia sẻ: Giá bánh thường ở mức ổn định. Chiếc bánh cỡ vừa có giá dao động từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng, bánh to hơn thì khoảng 50.000 đồng, 70.000 đồng, có thể có loại lên đến 100.000 đồng theo nhu cầu khách đặt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thường buổi sáng là thời gian cho công việc chuẩn bị, đến chiều các hộ dân mới bắt tay vào gói để cuối ngày bắc bếp. Khi đêm về nhà nào nhà ấy nổi lửa bập bùng thâu đêm. Không khí ấm cúng, rộn rã từ đầu xóm đến cuối làng…

Giữ nghề cổ truyền

Theo sử sách của xã Duyên Hà, trước đây địa phận xã nằm ngoài đê sông Hồng, úng ngập triền miên. Đến những năm 70 của thế kỷ trước, một phần thôn Tranh Khúc bây giờ tách ra, lập làng mới là Tranh Khúc, dân gian thường gọi là làng Tranh Khúc “ngọn”, nằm sát sông Hồng. Với vị trí đắc địa, được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngầm tinh khiết nên đã tạo ra những chiếc bánh “ăn là nhớ” nổi danh khắp cả nước. Chị Thúy Phương, chủ một cơ sở bánh chưng ở Tranh Khúc, nói: “Bên cạnh nguồn nước sạch, bánh chưng Tranh Khúc còn được thừa hưởng bí quyết gia truyền hàng trăm năm. Trong mỗi gia đình vẫn còn những người cao tuổi đồng hành với con cháu làm bánh”.

Trong câu chuyện của chúng tôi, những người dân ở Tranh Khúc đều không biết nghề gói bánh có từ bao giờ, nhưng trong tâm tưởng họ luôn trân trọng nghề cha ông để lại và có trách nhiệm giữ gìn, phát huy. Vì thế, người dân Tranh Khúc làm ra bánh chưng có mùi thơm đặc biệt, màu xanh lá dong để lại trên bánh khi bóc ra khó lẫn, người ở nơi khác rất khó “học lỏm”. Tranh Khúc bây giờ có hơn 200 hộ dân làm nghề gói bánh chưng. Con số này tương đối ổn định trong nhiều năm nay và rất ít người bỏ nghề. Thậm chí có nhiều cơ sở nổi tiếng như cơ sở của bà Lý Thị Diệp, Thúy - Phương, Bảo - Ngân…, ngoài bán ở thị trường trong nước còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Hiện nghề gói bánh chưng đang chiếm khoảng 40 đến 45% tổng thu nhập của thôn Tranh Khúc. Theo bà Lý Thị Diệp, để bánh dẻo thơm trong thời gian dài, ngoài quan tâm đến chất lượng nguyên liệu, kỹ thuật gói, người làm bánh ở Tranh Khúc đầu tư công nghệ hiện đại, trong đó có máy hút ép chân không. “Sau khi sản phẩm ra lò chúng tôi hút ép chân không, dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày gói và hạn sử dụng. Người tiêu dùng sẽ yên tâm khi sử dụng bánh chưng Tranh Khúc” - bà Lý Thị Diệp nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Huân, trước đây, người thôn Tranh Khúc luộc bánh bằng than, củi nhưng bây giờ đã chuyển sang luộc bằng nồi điện và hơi nước, bảo đảm vệ sinh môi trường. Công nghệ luộc bánh này có vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, khoảng 100 triệu đồng một hệ thống đun hơi nhưng có ưu điểm là người làm nghề bớt nhọc nhằn và giảm thiểu rõ rệt ô nhiễm môi trường, bánh chưng luộc ra dẻo, thơm ngon, khi bóc ra có màu xanh bắt mắt. Nồi luộc cũng được cải tiến làm bằng inox sạch sẽ, có hình dạng giống như những chiếc bể chứa nước hình vuông. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư công nghệ, UBND xã Duyên Hà thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ dân về bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là các khâu vệ sinh nguyên liệu, hạ tầng cơ sở làm bánh phải sạch sẽ, khang trang, quan tâm đến việc vận chuyển bánh đi bán ở các địa phương…

“Nhờ sự kết hợp giữa truyền thống hàng trăm năm và công nghệ mới nên bao nhiêu năm qua bánh chưng Tranh Khúc vẫn được nhiều người tìm đến và ưa chuộng” - ông Nguyễn Văn Huân khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẻo thơm bánh chưng Tranh Khúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.