Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến hẹn lại... xin!

Nguyễn Triều| 23/01/2011 07:01

(HNM) - Theo thông báo, từ khi trời trở lạnh tới nay các tỉnh miền núi phía Bắc đã có hơn 6.000 trâu, bò bị chết vì rét. Để có thể hiểu được số trâu, bò ấy có ý nghĩa thế nào đối với nhiều vùng miền núi, xin đưa ra một ví dụ: Một hộ nông dân có thể thoát nghèo nếu được cấp một con trâu để nuôi trong 3-4 năm, sau đó con trâu này sẽ được chuyển giao cho một hộ khác để họ tiếp tục thoát nghèo...

Vậy mà chưa được nửa tháng rét, khoảng 5 nghìn hộ mất cơ hội thoát nghèo!

Lãnh đạo thôn, bản, xã, huyện, thậm chí cả tỉnh tỏ ra rất thông cảm với bà con và cho biết chính quyền cơ sở bất lực trước tai họa đó vì: Trời làm ai mà chống được; thì cũng do đồng bào vẫn giữ thói quen canh tác, chăn nuôi từ ngàn xưa, cứ thả rông trâu, bò, cứ không tích sẵn thức ăn phòng ngày giá rét; mà bây giờ khí hậu đang thay đổi, mỗi năm rét càng đậm, hại hơn.

Vậy nên trong khi đợi bà con thay đổi phương thức canh tác, chăn nuôi lạc hậu, đành trông chờ vào các ngành, các cấp mà thôi...

Họ quên không nói là tình trạng trâu, bò chết rét, dịch bệnh lở mồm long móng ấy nhiều năm rồi năm nào cũng tái phát với hậu quả ai cũng biết. Vậy tại sao chỉ đổ tại trời, tại dân mà không hề có biện pháp, kế hoạch chủ động phòng chống có hiệu quả? Chẳng ai muốn trả lời câu hỏi ấy vì đáp án đã quá rõ ràng - giải pháp đơn giản nhất, có lợi nhất là "Đến hẹn lại xin". Đến hẹn, lạnh về, trâu, bò chết và đến hẹn lập phương án xin tiền trung ương!...

Đừng ai vội nghĩ đó chỉ là "cái lý" khó nghe. Ngay nhiều ngành kinh tế của ta cũng rất ưa và áp dụng rất tốt "cái lý" ấy.

Không mưa làm sao thủy điện đủ nước quay vòng? Lạnh, tiêu dùng tăng vọt mà khả năng cung ứng có hạn nên tất nhiên là điện thiếu. Kèm theo đó là những nguyên nhân hết sức khách quan: hệ thống hồ chứa nước vì lúc xây không bảo đảm tiêu chuẩn nên xuống cấp mau chóng; hệ thống thủy nông đòi hỏi lượng nước rất lớn từ các hồ chứa nhưng tỷ lệ thất thoát quá cao; rồi mùa lũ về hồ chứa cần xả để bảo đảm an toàn cho đập nhưng mới chỉ xả có mấy hôm đã bị "lên án" vì làm ngập lụt miền Trung, vốn đang ngập trong nước vì mưa.

Vì thời tiết (của trời) nên năm qua ngành điện, theo như ngành đã tuyên bố: thiệt hại nhiều trăm nghìn tỷ đồng.

Nhưng tại sao ngành điện quy hoạch, phát triển trên cơ sở nhu cầu và khả năng phát triển điện lực của đất nước mà lại lâm vào cảnh đó? Thì tại trời mưa nắng thất thường, thì tại nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh quá!...

Không phải không ai biết khả năng xảy ra tình trạng đó, cũng như ai ở miền núi phía Bắc không thể không biết là mùa đông sẽ rất rét...

Tuy nhiên, dường như chẳng có gì đơn giản hơn, hiệu quả hơn và ít trách nhiệm hơn bằng giải pháp "đến hẹn lại lên"... Đến hẹn, xin tiền trợ cấp; đến hẹn, xin tăng giá.

Nhưng liệu có năm nào không có mùa đông? Năm nào không có mùa khô?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến hẹn lại... xin!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.