(HNM) - Lâu nay, nhằm hạn chế tình trạng quá tải học sinh đầu cấp, Bộ GD-ĐT thực hiện phân tuyến tuyển sinh theo từng địa bàn.
Ảnh minh họa |
Bà Nguyễn Thị Yến (phường Tứ Liên, Tây Hồ):Học sinh cần được quyền chọn trường
Thực tế, nếu thực hiện tuyển sinh, đào tạo theo vùng như hiện nay thì nhiều trường cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo không cao, thiếu giáo viên giỏi... cũng không cần cố gắng "nâng tầm" vì học sinh trong vùng vẫn phải đến học. Trong khi đó, không phải lúc nào quy định học đúng tuyến của Bộ GD-ĐT cũng được thực hiện nghiêm chỉnh. Cụ thể, riêng đối với Trường THCS Tứ Liên ở địa phương tôi, những năm gần đây, số học sinh theo học liên tục suy giảm. Nguyên nhân là do trường học đang "ở đậu" đình làng, cơ sở vật chất, môi trường sư phạm không bảo đảm. Nhiều gia đình đã cho con em theo học ở các trường trên địa bàn khác, chất lượng đào tạo tốt hơn, dù việc đi lại không thuận tiện như gần nhà. Do đó, cần có sự chỉnh sửa quy định phân tuyến tuyển sinh đầu cấp trong bối cảnh hiện nay cho phù hợp. Theo tôi, nên để cho học sinh và gia đình tự chọn trường. Đây cũng là động lực học tập của học sinh và động lực phấn đấu của các trường. Tại sao cứ bắt phân tuyến, phân luồng để họ mất công đi xin, thậm chí mất tiền "chạy trường"?
Chị Vũ Bích Hạnh (quận Đống Đa):Liệu có xảy ra tình trạng "Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra?"
Nhằm hạn chế tình trạng quá tải học sinh đầu cấp, từ nhiều năm qua, ngành GD-ĐT đã thực hiện nhiều biện pháp điều tiết, trong đó phải kể đến hình thức phân tuyến tuyển sinh theo từng địa bàn trên phương châm tạo điều kiện để học sinh được học gần nhà. Nếu nói là do gia tăng dân số quá nhanh, thiếu trường học nên học sinh phải "nhồi nhét" đến hơn 60 trẻ/lớp trên đồng đều các trường thì phụ huynh và học sinh chấp nhận chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục. Nhưng thực tế diễn ra tình trạng, những trường điểm, có cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ giáo viên chất lượng luôn vượt số học sinh theo quy định, có trường "nhồi" 60 học sinh/lớp. Còn những trường ở địa bàn giao thông không thuận lợi, cơ sở vật chất ít được cải thiện như cách gọi dân dã của người dân "trường làng" thì luôn thưa vắng học sinh, vận động mãi không đủ sĩ số tối thiểu. Bộ GD-ĐT nghĩ sao khi những quy định do mình đặt ra liên tục bị "xé rào"? Nếu bỏ quy định học trái tuyến thì liệu rằng có xảy ra tình trạng "trường ăn không hết, trường lần chẳng ra"?
Anh Phạm Hùng Long (quận Thanh Xuân):Sĩ số quá tải, không đủ 1 phút/học sinh/tiết học
Quy định mỗi tiết học 45 phút chắc hẳn có sự nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm suốt một quá trình của ngành giáo dục. Ngành giáo dục cũng nỗ lực phấn đấu đưa sĩ số tối đa mỗi lớp xuống còn 45 học sinh cho tương ứng với thời lượng giảng dạy và điều kiện cơ sở vật chất. Chỉ làm phép tính đơn giản, với những lớp sĩ số trên 60 trẻ/lớp thì sự quan tâm của cô cho mỗi trẻ chưa được 1 phút trong tiết học. Tăng sĩ số tuyển sinh, nhưng diện tích phòng học không thể tăng, dẫn đến việc trẻ phải ngồi 3 em/bàn, bàn học đầu tiên gần sát bục giảng cô giáo. Nhiều ý kiến đổ lỗi cho phụ huynh mang nặng tâm lý chạy đua muốn con vào trường chuyên lớp chọn dù tốn kém tiền bạc. Nhưng việc chọn trường lớp cho con có sức quyết định trong định hướng tương lai sau này, chẳng phải phụ huynh nào cũng làm ào ào như mua mớ rau, con cá mà họ còn tìm hiểu thực tế chất lượng giáo dục, cảnh quan sư phạm kỹ lưỡng trước khi quyết định. Nay, nếu bỏ quy định phân tuyến tuyển sinh để phụ huynh học sinh tự do chọn trường theo nhu cầu nguyện vọng thì e rằng không xóa bỏ được tiêu cực trong việc xin học đầu cấp.
Bà Nguyễn Thu Hằng (phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng):Cần tăng cường chất lượng giáo dục
Nếu nói sơ qua về ý tưởng xóa bỏ quy định học đúng tuyến thì chắc hẳn rất nhiều phụ huynh đều ủng hộ, trong đó có cả tôi nữa. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu quy định phân tuyến đầu cấp được xóa bỏ ngay lập tức sẽ kéo theo không ít hệ lụy. Nhiều trường có tiếng, có chất lượng sẽ thu hút rất đông học sinh đến học; thậm chí sẽ dẫn tới việc nhà trường sẽ lựa chọn như thế nào với số lượng hồ sơ xin học lớn gấp 2, gấp 3 chỉ tiêu quy định. Liệu rằng con tôi có giành được suất học khi "tiềm lực" kinh tế không bằng những người khác, không "chạy đúng cửa"? Rồi các trường ít danh tiếng, "trường làng" ở khu vực không thuận lợi sẽ ra sao khi không thu hút được học sinh? Vì vậy, rất có thể lại nảy sinh nhiều tiêu cực mới. Vì vậy theo tôi, điều quan trọng hơn cả là cần tăng cường chất lượng giáo dục đồng đều ở các địa bàn. Bên cạnh đó, nên chăng với chức năng quản lý của mình, ngành giáo dục thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý, hiệu trưởng theo từng nhiệm kỳ, thậm chí tạo cơ chế để các trường kém hấp dẫn hơn "thuê" giáo viên dạy giỏi từ các trường khác về giảng dạy để khuyến khích học sinh theo học, tạo yên tâm cho người dân về chất lượng giáo dục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.