Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất nhiều giải pháp vực dậy thị trường bất động sản

Dạ Khánh| 17/12/2022 20:30

(HNMO) - Ngày 17-12, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo chuyên đề "Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững".

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề: Nhận diện rõ những rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính và thị trường bất động sản hiện nay; những rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô; tiềm năng của thị trường bất động sản và thị trường tài chính Việt Nam; một số vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ; một số đề xuất chính sách, giải pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản...

Quang cảnh hội thảo.

Thị trường bất động sản đang khó khăn

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản đang rất khó khăn. Sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền, cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý. Thị trường thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhưng lại thừa nhà ở cao cấp. Giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở. Trong đó, vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở hiện nay là vướng mắc pháp lý. Bên cạnh đó là những khó khăn về dòng vốn do "tắc" nguồn vốn tín dụng, "tắc" nguồn vốn trái phiếu, "tắc" cả nguồn vốn huy động từ khách hàng...

"Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng, có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Đề cập đến triển vọng thị trường bất động sản trong năm 2023, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội Phạm Hồng Chương cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự đoán có nhiều khả năng sẽ hồi phục. Năm 2023 cũng là năm Quốc hội xem xét, thông qua các đạo luật cơ bản liên quan đến thị trường bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt pháp lý cho thị trường. Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội để phát triển theo đúng chu kỳ.

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Chương cũng cho rằng, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đối diện với một số khó khăn về giải quyết tính pháp lý của các dự án, thu hút nguồn vốn và tiếp tục trầm lắng do tâm lý chờ đợi các động thái của Chính phủ.

Giải pháp ngắn và dài hạn

Về giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng, cần hỗ trợ cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết. Nhà nước xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, nhằm tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường, giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Trong đó, về giải pháp ngắn hạn, các chuyên gia đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành hai nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường và thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để tháo gỡ ngay một số vướng mắc. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương "bơm" nguồn vốn tín dụng bổ sung vào nền kinh tế đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi.

Cần rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội; tiếp tục mở room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản ở mức hợp lý; ban hành các tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau; rà soát, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao...

Về giải pháp trung và dài hạn, cần sớm hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong năm 2023. Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng). Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển cân đối giữa cung và cầu; nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, dự báo thị trường bất động sản...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhiều giải pháp vực dậy thị trường bất động sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.