Ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thẩm phán toà án tối cao do Quốc hội phê chuẩn nên cần bổ sung vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.
Về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau.
Theo đó, có ý kiến tán thành trong Luật này chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, còn quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13ngày 28/11/2014 của Quốc hội về vấn đề này.
Ý kiến khác đề nghị thu các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm của Nghị quyết số 85 vào trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để thể hiện cho thống nhất, dễ theo dõi, dễ thực hiện và tránh tình trạng hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được quy định trong nhiều văn bản pháp lý khác nhau.
Phiên họp 40 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Thường trực Ủy ban pháp luật tán thành với loại ý kiến cho rằng chỉ bổ sung thêm vào dự thảo Luật một số quy định về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Còn các vấn đề cụ thể về trình tự, thủ tục được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể chỉ quy định nguyên tắc trong luật, còn việc thực hiện sẽ theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu tín nhiệm phải cụ thể ngay trong luật này.
“Quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội được thể hiện xuyên suốt trong các Hiến pháp và Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận. Do đó, phải quy định cụ thể tại Luật này, phải có bước tiến lên vì bỏ phiếu tín nhiệm, bản chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm là quyền của Quốc hội”, bà Mai nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là việc rất lớn trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thể hiện hiệu quả rõ rệt của cơ quan quyền lực.
Đề cập chức danh mới là Thẩm phán toà án tối cao nay thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, bà Tòng Thị Phóng đề nghị nghiên cứu việc bổ sung đối tượng này thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mặc dù Thẩm phán toà án tối cao do Quốc hội phê chuẩn nhưng đây là chức danh, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên có thể không cần lấy phiếu tín nhiệm.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị làm rõ Thẩm phán toà tối cao là chức vụ hay chức danh. Nếu chức vụ thì xem xét sửa Nghị quyết 85 của Quốc hội để bổ sung vào đối tượng cần lấy phiếu tín nhiệm.
Kết luận phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là vấn đề mới nên cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến đại biểu chuyên trách để báo cáo Quốc hội xem xét./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.