(HNM) - Ngày 23-5, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP về một số giải pháp tổng thể bảo đảm môi trường sống của rùa Hồ Gươm.
Theo đó, sau khi lấy ý kiến của nhiều nhà khoa học trong nước và Chương trình Bảo tồn rùa châu Á, Sở KHCN đề nghị không nên gắn chíp cho rùa Hồ Gươm. Nếu cần xác định vị trí rùa và hỗ trợ công tác bắt rùa phục vụ chữa trị hoặc kiểm tra sau này (nếu cần) thì có thể dẫn dắt và cách ly theo phương pháp đã làm.
Nếu cần xem có bao nhiêu rùa thì có thể thực hiện thông qua việc quan sát bằng mắt thường và chụp ảnh các cá thể rùa khác (nếu có), trong thời gian một cá thể đang được cách ly để chữa trị. Một lý do nữa là để lắp thiết bị theo dõi, thì cần khoan vào phần sụn phía cuối mai rùa hoặc buộc đai quanh cơ thể rùa, cả hai cách này có thể làm rùa bị mắc kẹt hoặc chết đuối khi đai bị vướng vào rễ cây quanh hồ.
TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết, Sở cũng đề xuất với UBND TP phương án đưa rùa trở lại môi trường tự nhiên càng sớm càng tốt để tránh việc rùa mất dần bản năng tự kiếm mồi. Việc này phải bảo đảm rùa không bị sốc, đói hoặc phát bệnh trở lại. Sau khi chữa lành các vết thương mà môi trường hồ chưa được cải tạo thì cần xem xét môi trường nước hồ có tái ảnh hưởng đối với vết thương bằng cách cho rùa vào lồng cứng cao 1,5m đưa ra hồ 1-2 tuần để kiểm tra; nếu sức khỏe của rùa vẫn tốt thì có thể nạo vét bùn cục bộ ở gần Tháp Rùa và tạm thời đưa rùa trở lại khu vực này để tiện chăm sóc (cho ăn và đưa lên khám, chữa trị). Sau khi hoàn thành nạo vét bùn và xử lý nước hồ, kiểm tra lại lần cuối trước khi thả rùa về hồ.
Sở KHCN đề nghị thả một số loài cá như trôi, chép, mè trắng, mè hoa... vào hồ để bổ sung thức ăn sau này cho rùa, góp phần cải tạo hệ sinh thái Hồ Gươm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.