(HNMO) - Bộ Giao thông – Vận tải vừa đề xuất Bộ Tài chính miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối tượng đề xuất giảm là những đơn vị có phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Sở Giao thông – Vận tải địa phương cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.
Theo thống kê, hiện tổng số lượng phương tiện đã được cấp phù hiệu, biển hiệu là hơn 800.000 phương tiện. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động qua từng giai đoạn nên Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất giảm mức phí bảo trì đường bộ các tháng 3, 4, 5 và 6 của năm 2020.
Theo Bộ Giao thông – Vận tải, do dịch Covid-19, vận tải hành khách đường bộ thiệt hại nhiều nhất. Doanh thu của các doanh nghiệp vận tải hành khách giảm 75% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, số lượng phương tiện hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng giảm từ 30-40% so với trước khi xảy ra dịch. Tuy nhiên, sản lượng vận tải hàng hóa giảm không đáng kể, chỉ giảm 4% so với cùng kỳ tháng 3-2019.
Về mức miễn, giảm, Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng, do vận tải hàng hóa không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nên đề xuất giảm 10% phí bảo trì đường bộ trong tháng 3-2020. Đến tháng 4-2020, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng lớn nên đề xuất giảm 25%. Tháng 5-2020, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng không đáng kể nên đề xuất giảm 5% phí bảo trì đường bộ.
Tháng 3-2020, vận tải hành khách vẫn diễn ra bình thường, nhưng do tâm lý sợ lây nhiễm Covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế. Vì vậy, Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất giảm 30% phí bảo trì đường bộ. Trong tháng 4-2020, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách phải dừng hoạt động nên Bộ đề xuất giảm 100% phí bảo trì đường bộ.
Đến tháng 5-2020, vận tải hành khách đã được phép hoạt động bình thường, tuy nhiên tâm lý của người dân vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên nhu cầu đi lại chưa tăng cao. Bộ Giao thông – Vận tải đề xuất mức giảm cho tháng này là 50% phí bảo trì đường bộ.
Trong tháng 6-2020, Bộ đề xuất giảm 15% phí bảo trì đường bộ để hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách được bình ổn hoạt động sản xuất và khắc phục khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.