Hà Nội hiện có hàng trăm tòa nhà tái định cư đã hoặc chưa được đưa vào sử dụng, song hầu hết đều trong tình trạng xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng nặng. Đây là lý do người dân ngày càng “quay lưng” với nhà tái định cư, kéo theo hàng loạt khu tái định cư xây xong bị “bỏ hoang”.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết khó khăn, sớm “khơi thông” nguồn kinh phí bảo trì, bảo đảm đời sống ổn định cho cư dân.
Nát như nhà… tái định cư!
Khu tái định cư A6 Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) gồm 4 tòa nhà cao 11 tầng với 440 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2010… Tọa lạc ở vị trí “đất vàng” trên địa bàn quận Cầu Giấy, nhưng chỉ thời gian ngắn sau bàn giao, toàn bộ khuôn viên, thang máy và nhiều hạng mục của 4 tòa nhà nhanh chóng xuống cấp. Theo quan sát, hầu hết phần tường ngoài của các tòa nhà đều bị bong tróc nham nhở. Nhiều đoạn móng nhà nứt toác, gạch lát nền bong tróc khắp nơi; hệ thống thang máy thường xuyên gặp sự cố...
Bà Vũ Thị Nguyệt, Tổ trưởng tổ dân phố số 51 (phường Trung Hòa), phụ trách 4 tòa chung cư A6 cho biết: “Chúng tôi rất muốn duy tu, sửa chữa nhưng lực bất tòng tâm do không có kinh phí. Hiện các tòa nhà tái định cư hầu như không có nguồn thu nào, ngoại trừ khoản tiền quỹ bảo trì ít ỏi. Đơn vị quản lý là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) chỉ thực hiện duy nhất việc bảo trì thang máy và cũng không còn tham gia ban quản trị nên dù rất bức xúc, chúng tôi cũng không biết kêu ai?”.
Số phận 10 tòa nhà tại khu tái định cư Đồng Tầu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý có phần còn “bi đát” hơn. Khu tái định cư này được đưa vào sử dụng năm 2006. Đến nay, tất cả các tòa nhà đều trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều tòa nhà thường xuyên chỉ sử dụng được duy nhất 1 thang máy...
Ông Trần Ngọc Dần, thành viên ban quản trị tòa N1 khu tái định cư Đồng Tầu, cho biết: Trong số 10 tòa nhà thuộc khu này, chỉ có tòa N1 thành lập được ban quản trị. Điều đáng nói, các tòa nhà đều đã tiêu sạch quỹ bảo trì, không có nguồn thu, trong khi các hạng mục đều xuống cấp. Chúng tôi kiến nghị khắp nơi mà chưa đơn vị nào đến khắc phục, sửa chữa”.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại không ít nhà tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc
Trước tình trạng hàng loạt tòa nhà tái định cư xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cư dân, ngày 23-8-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố. Quyết định này quy định việc hỗ trợ kinh phí bảo trì đối với phần diện tích, thiết bị thuộc sở hữu chung, bao gồm 6 hạng mục của nhà tái định cư, gồm: Thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy bơm nước, máy phát điện, hệ thống chống sét và mặt ngoài của tòa nhà.
Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Đặng Trần Trung, từ năm 2016, để thực hiện công tác bảo trì các quỹ nhà, Công ty được thành phố phê duyệt dự toán thu chi theo quy định. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do phát sinh việc diện tích kinh doanh thương mại ở các tòa nhà tái định cư không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư số 124/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính nên Công ty không còn nguồn thu thực hiện công tác bảo trì nhà tái định cư.
Trong khi đó, Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ bảo trì 6 hạng mục tại các chung cư tái định cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ. Phó Giám đốc Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở Nguyễn Đắc Thảo cho biết: Ban đã tiếp nhận hồ sơ và công tác bảo trì tại 32 tòa nhà tái định cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ từ Handico và Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội từ năm 2018. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Ban chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán bố trí vốn để thực hiện nên không có đủ cơ sở pháp lý tổ chức việc bảo trì. Do không được bảo trì trong suốt 6 năm qua, nhiều trang thiết bị sử dụng chung trong các tòa nhà đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.
Trước thực trạng trên, ngày 9-6-2023, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị được giao quản lý nhà tái định cư rà soát, phân loại chất lượng cụ thể các hạng mục hạ tầng tại nhà tái định cư. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng có văn bản gửi Sở Tài chính, đề nghị thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt dự toán thu, chi với hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa tái định cư. Mặt khác, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho cư dân, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị quản lý nhà tái định cư hướng dẫn đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị nhà tái định cư phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai công tác bảo trì, sửa chữa phần sở hữu chung.
Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, đưa ra biện pháp tổng thể trong quản lý, vận hành nhà tái định cư, trong đó cần tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để nhanh chóng “khơi thông” nguồn kinh phí bảo trì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.