(HNMO) – Dự luật xử lý vi phạm hành chính được trình lên Quốc hội chiều 3/11 đã đề xuất cơ chế xử phạt đặc thù đối với các thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng: mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị ở khu vực nội thành của các thành phố này có thể gấp 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm.
Cho phép các thành phố trực thuộc TƯ phạt tiền vi phạm giao thông gấp 2 lần mức quy định chung
Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) được Chính phủ trình lên Quốc hội gồm có 06 phần, 12 chương và 150 điều.
Dự thảo Luật bổ sung một số nguyên tắc mới như nguyên tắc về trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm, nguyên tắc xử lý công khai, nguyên tắc đảm bảo pháp chế trong quá trình xử lý, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật; bổ sung một điều quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và một điều quy định về hiệu lực của Luật XLVPHC đối với những hành vi vi phạm hành chính ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, dự thảo Luật bổ sung một số hình thức xử phạt mới (đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, buộc học tập các quy định của pháp luật có liên quan đến hành vi vi phạm, buộc chữa bệnh đối với người bán dâm bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục) và một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra (buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm).
Đáng chú ý, về quy định mức xử phạt tiền, dự thảo Luật điều chỉnh khung phạt tiền, theo đó, mức phạt tối thiểu tăng từ 10 ngàn đồng lên 50 ngàn đồng, mức phạt tối đa tăng từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Mức phạt tối đa đến 2 tỷ đồng được quy định đối với 5 lĩnh vực là quản lý các vùng biển và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; quản lý rừng, lâm sản; quản lý tiền tệ, tín dụng, chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý tài nguyên nước, dầu khí và các khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, đất đai dự kiến sẽ được áp dụng xử phạt đối với các tổ chức vi phạm.
Dự luật cũng quy định cơ chế xử phạt đặc thù đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó đối với khu vực nội thành của các thành phố này, mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông, môi trường và trật tự quản lý đô thị có thể được quy định cao hơn, nhưng không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm đã được quy định tại các nghị định của Chính phủ. Quy định này tại dự thảo Luật được thể hiện theo hai phương án: Phương án 1: giao Chính phủ quy định mức phạt cao hơn trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương; Phương án 2: Giao trực tiếp cho Hội đồng nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương có thể quy định mức phạt tiền cao hơn đối với các hành vi vi phạm đã được quy định tại các nghị định của Chính phủ.
Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính đề xuất việc cho phép các thành phố trực thuộc TƯ được phạt tiền vi phạm giao thông gấp 2 lần mức quy định chung
Trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật quy định khống chế mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực, nhưng đã thay đổi cách thức quy định theo hướng phân chia các vi phạm hành chính theo 17 lĩnh vực và trong mỗi lĩnh vực quy định cụ thể từng nhóm vi phạm với các mức phạt tối đa tương ứng. Đối với những nhóm vi phạm hành chính, tuy thuộc một trong 17 lĩnh vực quy định, nhưng chưa được quy định rõ, thì giao cho Chính phủ quy định mức phạt nhưng không được quá mức phạt tối đa mà Luật XLVPHC quy định; đối với các lĩnh vực hoặc nhóm hành vi vi phạm hành chính mới chưa được quy định trong Luật thì giao cho Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định cơ chế điều chỉnh mức phạt tiền trong trường hợp có sự biến động về giá, theo đó, căn cứ vào tỷ lệ phần trăm (%) biến động lớn về giá cả theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh tương ứng mức xử phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực.
Về thẩm quyền xử phạt, khác với Pháp lệnh XLVPHC, dự thảo Luật quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) so với các mức phạt tối đa được quy định tại dự thảo Luật, đồng thời có khống chế mức trần. Dự thảo Luật cũng điều chỉnh lại việc phân cấp thẩm quyền xử phạt theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt cho cơ sở, là cấp trực tiếp phát hiện, thụ lý phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính, nhằm góp phần nâng cao tính kịp thời và hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính, giảm tình trạng dồn việc xử phạt lên cấp trên.
Để tăng cường việc phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính, dự thảo Luật bổ sung quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (pháp luật hiện hành chỉ quy định áp dụng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông). Việc sử dụng các trang thiết bị này phải đảm bảo một số nguyên tắc như tôn trọng các quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các lợi ích hợp pháp khác của công dân và tổ chức; tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, kỹ thuật; … Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính.
Dự thảo Luật cũng quy định thủ tục thi hành các hình thức xử phạt và quy định chung về thủ tục thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả. Đặc biệt, để khắc phục tình trạng cố tình dây dưa việc nộp tiền phạt của cá nhân, tổ chức vi phạm, dự thảo Luật quy định về việc tính thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt cho mỗi ngày nộp chậm trước khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Về đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp này là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS (đây là đối tượng bị đưa vào trường giáo dưỡng theo Pháp lệnh XLVPHC) và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS, đồng thời, nâng độ tuổi của người nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng từ đủ 12 tuổi (theo Pháp lệnh XLVPHC) lên đủ 14 tuổi.
Về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, nhằm hạn chế việc cách ly người chưa thành niên ra khỏi môi trường gia đình và xã hội, dự thảo Luật đã thu hẹp đối tượng áp dụng biện pháp này, hạn chế tối đa việc áp dụng đối với người dưới 14 tuổi, cụ thể là chỉ áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS.
Dự thảo Luật cũng thu hẹp phạm vi đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo hướng bỏ việc áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm. Biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Về những quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm 3 hình thức xử phạt (cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính) và 4 biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật). Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính (nhắc nhở, giám sát tại gia đình, hoà giải tại cộng đồng); điều kiện, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp thay thế.
Cân nhắc kỹ việc nâng thẩm quyền phạt quá cao
Thẩm tra dự án Luật xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật XLVPHC, nhất trí với các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật XLVPHC được nêu trong Tờ trình và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổng kết đưa vào dự thảo Luật để khắc phục tình trạng Luật chỉ quy định những vấn đề chung, còn nội dung cơ bản thì lại giao cho văn bản dưới Luật.
Về vấn đề giao cho Toà án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Ủy ban nhất trí nhưng đề nghị nghiên cứu quy định việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành với phương án thứ hai quy định tiếp tục giao cho các cơ quan hành chính xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và đề nghị cải tiến quy trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp này.
Về mức phạt tiền xử phạt vi phạm hành chính, Uỷ ban pháp luật nhận thấy, việc tăng mức phạt tiền là cần thiết, để bảo đảm tính răn đe, phù hợp với thực tiễn, nhưng cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là hợp lý. Mặt khác, không nên chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà cần quan tâm các giải pháp khác về kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phải chú trọng công tác tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác; chẳng hạn, đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền vừa phải nhưng áp dụng nghiêm biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại”.
Về cách quy định khung phạt và mức phạt tiền, theo Uỷ ban pháp luật, việc nâng thẩm quyền phạt quá cao như dự thảo Luật là vấn đề cần được cân nhắc kỹ, để tránh việc lạm quyền của người có thẩm quyền xử phạt. Mặt khác, cũng cần tính đến việc quy định thẩm quyền xử phạt phù hợp với trình độ dân trí và năng lực, trình độ, phẩm chất của người thi hành công vụ để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực xảy ra trong quá trình tổ chức thực hiện. Quy định như dự thảo Luật tạo thuận lợi cho người có thẩm quyền xử phạt nhưng không phù hợp, tạo ra mức phạt rất lớn của các chức danh có thẩm quyền xử phạt nhất là ở cơ sở (nhiều chức danh được nâng lên hàng chục lần so với hiện hành). Mặt khác, quy định tỷ lệ phần trăm đối với thẩm quyền riêng, chỉ phạt theo lĩnh vực phụ trách là không cần thiết, chồng chéo vì đã quy định khống chế mức trần, khó xác định thẩm quyền xử phạt, tạo ra sự phức tạp trong Luật cũng như văn bản hướng dẫn sau này.
Về vấn đề quy định mức phạt tiền cao hơn mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thi tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương và thẩm quyền quy định mức phạt, nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất là giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn không quá 2 lần trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành với quy định trong dự thảo Luật và cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong cùng một cấp hành chính, những người có cùng một chức vụ như nhau nhưng lại có thẩm quyền xử phạt khác nhau đối với hành vi vi phạm giống nhau. Mặt khác, cần làm rõ đối với lĩnh vực khác như hình sự, thuế có áp dụng hình phạt, mức phạt tiền cao hơn nơi khác không? Ý kiến này cho rằng, hiện nay Nhà nước ta đang thực hiện thí điểm việc xử phạt cao hơn ở nội thành của các thành phố đô thị đặc biệt, cần phải tổng kết thực tiễn này rồi mới đưa vào quy định trong Luật.
Ủy ban pháp luật cũng bày tỏ sự tán thành với việc chia nhỏ mức phạt tiền tối đa trong các nhóm, lĩnh vực nhằm bảo đảm việc xử lý được chính xác hơn. Tuy nhiên, cần làm rõ căn cứ để xác định mức phạt tiền của từng nhóm, lĩnh vực để bảo đảm quy định cho phù hợp với thực tế, bảo đảm tính giáo dục, răn đe có hiệu quả; đồng thời, cần tính đến việc phân định rõ ràng về thẩm quyền, bởi vì trong lĩnh vực, địa bàn hiện nay có nhiều lực lượng, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Về vấn đề không quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, Uỷ ban pháp luật tán thành quy định này. Tuy nhiên, cần cân nhắc tính khả thi việc quy định biện pháp phạt bổ sung, bởi vì, theo quy định của dự thảo Luật mỗi khi người bán dâm bị xử phạt thì Nhà nước phải tổ chức khám bệnh cho họ, nếu có bệnh thì bắt buộc chữa bệnh. Mặt khác, trong quá trình bắt buộc người bán dâm phải khám bệnh, trường hợp phát hiện họ mắc bệnh lây truyền thì buộc phải chữa bệnh là thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta; nhưng vấn đề này cần làm rõ trường hợp người bán dâm không có tiền thì ai phải trả khoản tiền khám, chữa bệnh cho họ nhằm bảo đảm tính khả thi và công bằng xã hội.
Về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính, Ủy ban pháp luật tán thành với quy định cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính nhưng chỉ hạn chế trong một số lĩnh vực cụ thể như bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Mặt khác cần tổng kết thực tiễn thi hành một số quy định rất hạn hẹp hiện hành về vấn đề này (cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để thu thập chứng cứ vi phạm về trật tự, an toàn giao thông) trong Luật giao thông đường bộ năm 2008 để quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong dự thảo Luật này.
Cũng trong chương trình làm việc ngày 3/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật giám định tư pháp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.