(HNMO)- Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa đề xuất một số giải pháp chiến lược để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet |
Thứ nhất: Không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong khối doanh nghiệp niêm yết, trừ các doanh nghiệp hoạt động chính trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng cần được nâng lên mức 49%/ vốn điều lệ, với những tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém thì không hạn chế tỷ lệ sở hữu.
Theo VAFI, pháp luật hiện hành đã cho phép doanh nghiệp 100% vốn FDI được kinh doanh ở hầu hết mọi lĩnh vực và ngành nghề, kể cả ngành kinh doanh có điều kiện. Khối doanh nghiệp trong nước chưa niêm yết thì cũng đã áp dụng qui định không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và hiện nay khối này đang hưởng lợi hơn khối doanh nghiệp niêm yết trong việc huy động vốn hay tái cấu trúc doanh nghiệp.
Qui định về tỷ lệ khống chế nhà đầu tư nước ngoài là 49%/vốn điều lệ trong doanh nghiệp niêm yết là rào cản cho sự phát triển doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp so với thông lệ thế giới.
Vì thế, “đây là giải pháp quan trọng nhất cho tiến trình cải tổ doanh nghiệp, nhằm thay đổi cơ bản về cấu trúc cổ đông theo hướng tăng cường thu hút cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược để tạo điều kiện thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp dễ dàng huy động được nguồn vốn giá rẻ và trong nhiều trường hợp sẽ tạo thêm thị truờng xuất khẩu cho doanh nghiệp.”-VAFI nhấn mạnh.
Thứ hai: Khuyến khích người nước ngoài mua nhà ở cao cấp với thủ tục đơn giản
Chính phủ đã có chủ trương mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam và giao cho các bộ, ngành liên quan soạn thảo chính sách nhưng chưa biết đến khi nào chủ trương này mới đi vào cuộc sống và liệu có áp dụng được không nếu như thủ tục mua nhà quá phức tạp. VAFI đưa ra quan điểm, chúng ta cần có tư duy mới là không hạn chế như trước mà phải có chính sách khuyến khích người nước ngoài mua bất động sản như nhiều nước trên thế giới đã áp dụng với thủ tục đơn giản nhất, chẳng hạn như với cá nhân người nước ngoài, điều kiện pháp lý để mua là chỉ cần có hộ chiếu và khi họ đã đầu tư với số tiền nào đấy thì cần có chính sách visa ưu đãi.
VAFI cho rằng, chính sách khuyến khích người nước ngoài mua bất động sản Việt Nam chưa thể là giải pháp mạnh cho thị trường bất động sản (do môi trường sống và môi trường đầu tư của ta còn ở vị thế kém cạnh tranh so với nhiều quốc gia) nhưng sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản trong nhiều năm tới, đồng thời sẽ có rất nhiều lợi ích trong thúc đẩy du lịch, thúc đẩy đầu tư nước ngoài.
Thứ ba: Chấm dứt ngay tình trạng vàng hóa nền kinh tế bằng giải pháp tính thuế giá trị gia tăng (mức 10%) theo phương pháp khấu trừ với hoạt động kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức.
Theo Hiệp hội này, hoạt động đấu thầu vàng miếng mà Ngân hàng nhà nước đang áp dụng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết nguồn cung cho các tổ chức tín dụng, chứ không phải là giải pháp chống vàng hóa nền kinh tế. Hầu như tất cả giải pháp mà NHNN áp dụng từ trước tới nay trong quản lý thị trường vàng đều không có trên thế giới và đều không làm giảm tình trạng vàng hóa. Việc đặt mục tiêu phải làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới không phải là giải pháp ổn định kinh tế vỹ mô mà có khi có tác dụng ngược.
Đề xuất này trên được VAFI tham khảo kinh nghiệm thế giới và thấy rằng hầu như không có quốc gia nào có chính sách miễn thuế với hoạt động kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức. Nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng cho hoạt động kinh doanh vàng sẽ có hàng trăm ngàn tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng và đây là cơ sở quan trọng để giảm sâu mặt bằng lãi suất huy động.
Để hóa giải sự băn khoăn về quyền lợi của người dân có vàng khi áp thuế, VAFI cho rằng, Nhà nước sẽ không nên thu thuế giá trị gia tăng khi người dân bán vàng. Nhưng việc áp thuế với mặt hàng này là cần thiết vì “chỉ áp dụng giải pháp duy nhất biện pháp này thì tình trạng vàng hóa nền kinh tế mới thực sự chấm dứt vĩnh viễn.”-VAFI nhấn mạnh.
Thứ tư: Từng bước hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ và nhanh chóng hướng tới mục tiêu lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng không.
Tiếp tục khống chế hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ nhằm hạ lãi suất cho vay ngoại tệ xuống mức 3%/năm sẽ làm tăng vị thế của đồng Việt Nam và có tác dụng làm giảm lãi suất tiền gửi nội tệ xuống mức thấp hơn nữa. Việc đánh thuế giá trị gia tăng lên hoạt động kinh doanh vàng và việc đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0 sẽ hậu thuẫn rất lớn cho việc đưa lãi suất tiền gửi nội tệ về mức 4%-5 % /năm. Lãi suất cho vay thấp sẽ kích thích thị trường chứng khoán phát triển và giúp cho thị trường bất động sản nhanh chóng phục hồi, hệ thống doanh nghiệp trong nước dễ dàng huy động được vốn giá rẻ. Đây cũng là giải pháp quan trọng để xử lý nhanh nợ xấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.