Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất Bộ Công an là cơ quan thường trực phòng, chống khủng bố quốc gia

Bách Sen| 21/05/2013 10:58

(HNMO)- Sáng 21- 5, các đại biểu Quốc hội đã nghe báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.

Đại biểu QH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) thảo luận tại QH. Ảnh: TTXVN.


Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nêu rõ: Luật Phòng cháy và chữa cháy được Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/6/2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001. Qua nhiều năm triển khai đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi như: Chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC; chưa quy định cụ thể, đầy đủ về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ; chưa quy định đầy đủ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC… Dự thảo Luật sửa đổi giải quyết những vướng mắc nêu trên.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng, dự thảo trình mới khẳng định được sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật. Những nội dung đưa ra mới chỉ xử lý tình thế để giải quyết một số vấn đề khó khăn trước mắt, còn có điểm chưa chặt chẽ. Đơn cử, dù dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình trong PCCC, nhưng nếu các đối tượng này không thực hiện thì có biện pháp nào để xử lý không? Ngoài ra, cần có chế tài xử lý gắn với quy định về trách nhiệm của thủ trưởng, cơ quan đơn vị, chủ hộ gia đình trong vấn đề phòng cháy, chữa cháy.

* Thảo luận về dự thảo Luật phòng, chống khủng bố, trong đó các điều khoản quy định lực lượng chuyên trách chống khủng bố được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận. Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia do Chính phủ thành lập; Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Đối với bộ, ngành trung ương, chỉ khi thực sự cần thiết theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố thuộc bộ, ngành mình. Tất cả các Ban Chỉ đạo đều hoạt động kiêm nhiệm. Còn thành phần của Ban Chỉ đạo của cấp nào thì để cấp đó quyết định. Việc quy định như vậy vừa bảo đảm tính linh hoạt, vừa phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của UBND cấp tỉnh đã được pháp luật quy định.

Về cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và cấp tỉnh, dự thảo luật đề xuất sẽ do Bộ Công an và cơ quan Công an cấp tỉnh đảm nhiệm. Theo đại biểu quốc hội Trương Minh Hoàng (ĐB tỉnh Cà Mau) triển khai theo hướng này “đã thống nhất với chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định và phù hợp với thực tiễn hiện nay”. Trên thực tế, mặc dù ở Việt Nam chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức quốc tế gây ra nhưng cơ quan an ninh đã phát hiện nhiều đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập. Từ năm 2000 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, xét xử 4 vụ âm mưu khủng bố với 49 bị cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất Bộ Công an là cơ quan thường trực phòng, chống khủng bố quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.