(HNM) - Ngân sách nhà nước là nguồn vốn để thực hiện các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thông qua thu ngân sách, Nhà nước thực hiện việc quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô, như định hướng cơ cấu kinh tế, định hướng tiêu dùng…
Với vai trò quan trọng đó, thu ngân sách luôn là một trong những chỉ tiêu hàng đầu để đánh giá sự phát triển của quốc gia và từng địa phương, cũng như hiệu lực, hiệu quả điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.
Với Hà Nội, dự toán thu ngân sách thường rất lớn và có đóng góp quan trọng cho cả quốc gia. Vì vậy, việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách mang ý nghĩa lớn, nhưng cũng là áp lực không nhỏ cho Hà Nội. Với tính chất quan trọng đó, ngay từ những ngày đầu năm, thành phố đã yêu cầu các cơ quan tham gia vào thu ngân sách nhà nước, như thuế, kho bạc, tài chính, kế hoạch và đầu tư xây dựng "kịch bản" thu; từ đó phân công rõ trách nhiệm cho các ngành, quận, huyện, thị xã bám sát, triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn không ít khó khăn, dư địa thu không còn nhiều, giải pháp mà Hà Nội đưa ra để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn và tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách. Cùng với việc "nuôi dưỡng nguồn thu", Hà Nội tập trung chống thất thu, gian lận và thu hồi nợ đọng thuế, phí, tiền sử dụng đất, bảo đảm sự công bằng cho các đơn vị chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật. Thành phố cũng thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế; thông qua rà soát hoạt động và phân tích nguyên nhân nợ để phân loại doanh nghiệp. Đơn vị nợ do khó khăn sẽ được hỗ trợ, đơn vị có dòng tiền nhưng chây ỳ không chịu nộp ngân sách sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu.
Con số thống kê 5 tháng đầu năm 2019 thu ngân sách thành phố đạt 109,62 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán (cao hơn so với mức 38,2% cùng kỳ năm 2018) và ước 6 tháng thu ngân sách đạt 132,134 nghìn tỷ đồng, bằng 50,2% dự toán đã cho thấy hiệu quả của những giải pháp bảo đảm dự toán thu ngân sách mà thành phố thực hiện thời gian qua. Đây có thể coi là tiền đề để thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2019.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chặng đường còn lại hoàn toàn bằng phẳng, bởi nền kinh tế vốn chịu tác động từ nhiều chiều, ở ngay nội tại, ở độ mở ngày càng lớn của quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Dự toán thu ngân sách năm 2019 là 263,111 nghìn tỷ đồng vẫn có thể không đạt, nếu những giải pháp xây dựng từ đầu năm không được thực thi quyết liệt. Vì vậy, cuối tháng 5 vừa qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường nhiệm vụ thu, chi ngân sách; trong đó nhấn mạnh yêu cầu tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách; xử lý chậm nộp, ẩn lậu thuế, tăng cường hậu kiểm để phát hiện kịp thời trường hợp kê khai không đúng, trường hợp gian lận thuế, trốn thuế, chuyển giá...
Cùng với đó, các ngành, địa phương không được lơ là nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, với tinh thần người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, sự hài lòng của họ là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính. Đây cũng chính là động lực quan trọng cho doanh nghiệp phát triển, từ đó đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước. Nói cách khác, để thu đúng, thu đủ (và thu bền vững) các khoản thu ngân sách, thì cần biết cách nuôi dưỡng nguồn thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.