(HNM) - Những năm gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước liên tục đưa ra cảnh báo tiền ảo, tài sản ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật bảo vệ; việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp có thể gây rủi ro rất lớn.
Thế nhưng đến nay, hoạt động giao dịch tiền ảo, tài sản ảo vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, thu hút nhiều nhà đầu tư, trong khi Việt Nam không cấp phép hoạt động cho các sàn giao dịch tiền ảo.
Đáng nói, gần đây, trên mạng xã hội Việt Nam còn xuất hiện các sàn giao dịch kêu gọi đầu tư trái phép dưới hình thức mua bán chứng khoán quốc tế, tiền kỹ thuật số… bằng phương thức đa cấp. Bằng chứng rõ nhất là từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận hơn 260 báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo, trong đó đã chuyển cơ quan công an xử lý hơn 220 báo cáo để xác minh.
Mặt khác, dù giao dịch tiền ảo, tài sản ảo diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường tài chính Việt Nam, song đến thời điểm hiện nay, khung pháp lý về quản lý tiền ảo, tài sản ảo vẫn chưa được hoàn thiện khiến công tác quản lý về lĩnh vực này trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc làm rõ cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo, góp phần ổn định thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Theo đó, giải pháp trước mắt các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện là sớm hoàn thành các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21-8-2017 phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới đồng tiền ảo bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Đặc biệt, trong khi khung pháp lý liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo chưa được hoàn thiện, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phối hợp với bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử; hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.
Về phía chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro, hệ lụy liên quan tới việc đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Đặc biệt, mỗi người dân cũng phải tự tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo, từ đó trang bị thêm kiến thức để tránh những rủi ro từ tiền ảo, tài sản ảo có thể xảy ra.
Vừa tích cực cảnh báo rủi ro, hệ lụy từ kinh doanh, huy động, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo, vừa đẩy nhanh tiến độ ban hành khung pháp lý quản lý giao dịch tiền ảo, tài sản ảo chính là góp phần bảo đảm thị trường tài chính lành mạnh, thiết thực bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.