(HNM) - Những vấn đề thời sự, những câu chuyện “nóng bỏng” ở ngoài đời hay cuộc sống muôn màu hiện nay chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của công chúng khi được đưa lên sân khấu. Nhưng thực tế, sân khấu Thủ đô hiện nay vắng vở diễn về đề tài hiện đại như thế. Nhu cầu thưởng thức của khán giả khá lớn, chỉ cần sự dấn thân mạnh mẽ của giới nghề sẽ tạo bước chuyển trong mảng đề tài này trên sân khấu.
Thưa vắng đề tài hiện đại
Trên sân khấu Thủ đô những năm gần đây, các vở diễn có đề tài hiện đại đều thành công. Ở loại hình kịch nói, vở “Làng song sinh” của Nhà hát Kịch Hà Nội về thiện - ác trong mỗi người và sự lựa chọn lối sống, luôn được khán giả đón nhận nhiệt tình mỗi buổi diễn. Vở “Người yêu… Hoa hậu” của Nhà hát Kịch Việt Nam “đón” vấn đề đang gây chú ý là “mưa” cuộc thi sắc đẹp năm nay, nên vừa ra mắt đã tạo sức hút. Song, ghi dấu ấn phải là vở “Tai biến” của đơn vị này về cuộc đấu tranh với “lợi ích nhóm”, ra mắt từ nhiều năm, nhưng mỗi lần diễn là “cháy vé”.
Nhà hát Tuổi trẻ có điểm nhấn là chùm kịch về những vấn đề đương đại của tác giả Lưu Quang Vũ, như: “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Lời thề thứ 9”, “Ai là thủ phạm”… luôn có lượng khán giả đều đặn. Sân khấu Lệ Ngọc nhanh nhạy với những câu chuyện nóng hổi, như “Cuộc chiến Covid” về đại dịch Covid-19 ở Việt Nam hay “Nước mắt của mẹ” mang thông điệp ý nghĩa về gia đình thời hiện đại, tạo được “sóng” trong đời sống sân khấu…
Sân khấu kịch hát truyền thống ít tác phẩm về đề tài hiện đại hơn, điển hình là “Mong manh vùng sáng tối” (Nhà hát Cải lương Hà Nội) phản ánh lối sống, đạo đức của con người ở xã hội hiện đại; “Điều còn lại” (Nhà hát Chèo Hà Nội) về những di chứng của chiến tranh... Sân khấu xiếc và múa rối cũng có đề cập đến đề tài hiện đại, nhưng thường chỉ là những tiểu phẩm, tiết mục nhỏ, chưa có tác phẩm dài hơi.
So với đề tài lịch sử, dân gian, cận đại, số lượng vở diễn về đề tài hiện đại khiêm tốn hơn nhiều. Không chỉ ở sân khấu Thủ đô, đời sống sân khấu cả nước cũng lâm vào tình cảnh này. Tại Liên hoan chèo toàn quốc 2019, chỉ có 8 vở diễn về đề tài hiện đại trong số 26 vở tham dự. Ở Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đợt 1, trong 18 vở tranh tài, thì chỉ có 5 vở diễn về cuộc sống đương đại, chủ yếu về nội dung phòng, chống tham nhũng. Năm 2017, hơn 80 vở diễn được dàn dựng trên sân khấu các đơn vị; trong đó, có 27 vở diễn kịch hát (tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca) được dàn dựng mới hoặc phục hồi, chỉ có 3 vở kịch hát mang đề tài hiện đại. Còn tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018, chỉ có 9/32 vở diễn phản ánh cuộc sống hôm nay.
Rõ ràng sân khấu Thủ đô và cả nước đều thiếu vắng đề tài hiện đại, chưa đi vào những vấn đề đang “nóng hổi”, gai góc trong cuộc sống, chưa khai thác sâu tâm lý, suy tư, trăn trở, khát khao, ước mơ của con người trong cuộc sống hiện thời… để thỏa mãn nhu cầu khán giả.
Thúc đẩy sự sáng tạo
Theo dõi mảng sân khấu lâu năm, nhà báo Phạm Thu Hương (Báo An ninh Thủ đô) chỉ ra nguyên nhân sự thiếu vắng đề tài hiện đại: “So với vở diễn lịch sử, dân gian, thì vở diễn đề tài hiện đại gây nhiều thách thức hơn cho đội ngũ tác giả vì phải bắt đầu từ con số 0. Tức là, tác giả phải tạo ra một cốt truyện, hình tượng nhân vật, tình tiết, sự kiện… Trong khi, ở vở diễn đề tài lịch sử, dân gian đã có sẵn câu chuyện, nhân vật, tình huống, thậm chí cách giải quyết xung đột, nên rất thuận cho người viết kịch”.
Về phía đơn vị nghệ thuật, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thừa nhận, nhà hát gặp khó khăn trong việc lựa chọn kịch bản dàn dựng hằng năm, bởi thiếu kịch bản hay, chất lượng, nhất là kịch bản về đề tài hiện đại. Những cây bút tên tuổi dần ra đi. Tác giả trẻ có cách tiếp cận trực diện, cái nhìn trẻ trung, mới mẻ, cách đặt vấn đề thú vị, nhưng tình huống kịch còn sơ lược, nội dung chưa đủ chiều sâu, thông điệp chưa rõ ràng…
Còn theo Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), sân khấu kịch hát truyền thống còn gặp khó khăn hơn khi thực hiện tác phẩm đề tài hiện đại. Phần lớn kịch bản đề tài này đều chuyển thể từ kịch nói với cấu trúc khác sang. Hơn nữa, việc kể câu chuyện hiện đại trên sân khấu kịch hát mà vẫn giữ được đặc trưng của thể loại không đơn giản… Vì vậy, các cấp quản lý và đơn vị nghệ thuật cần đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, mở trại sáng tác cho tác giả chuyên về đề tài hiện đại ở từng loại hình.
Để có nhiều vở diễn đề tài hiện đại chất lượng cho sân khấu Thủ đô và cả nước, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội cho rằng, các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp phải tăng cường tổ chức cho các tác giả đi thực tế cơ sở, bám sát đời sống thực tiễn, tạo cảm hứng sáng tác. Các đơn vị nghệ thuật cũng cần mạnh dạn dàn dựng những tác phẩm đương đại, có góc nhìn mới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội cần tổ chức các cuộc thi, liên hoan sân khấu về đề tài hiện đại; thi sáng tác kịch bản về đề tài này và kết nối để kịch bản tốt được dàn dựng… Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội nên xây dựng kênh thông tin trên mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu tác phẩm sân khấu, đồng thời tiếp nhận phản hồi để nâng cao chất lượng tác phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.