(HNM) - Sau 3 tháng triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20-5-2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các ngân hàng thương mại đã cho gần 550 khách hàng vay hỗ trợ lãi suất tổng số tiền gần 4.100 tỷ đồng (số tiền lãi hỗ trợ khoảng 1,02 tỷ đồng).
Với tổng gói hỗ trợ 2% lãi suất khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách, tương ứng sẽ có khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay lãi suất thấp được ngân hàng thương mại tung ra thị trường trong năm 2022 và 1,2 triệu tỷ đồng dư nợ dành cho năm 2023. Như vậy, số tiền cho vay hỗ trợ lãi suất mà các ngân hàng thương mại đã giải ngân là quá thấp nếu so với số vốn dự kiến và chưa đạt yêu cầu nếu so với mục đích, ý nghĩa của gói hỗ trợ này.
Theo kế hoạch, ngân sách nhà nước dành 40.000 tỷ đồng để cấp cho các ngân hàng thương mại giảm 2% lãi suất cho vay trong 2 năm 2022, 2023 nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nguồn vốn giá rẻ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19. Vì vậy, Chính phủ nhanh chóng ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 30/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Các ngân hàng thương mại đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ chi tiết từng năm. Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp gửi các bộ, ngành trình cấp thẩm quyền bổ sung dự toán chi ngân sách thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả của chương trình phải đo đếm bằng số vốn thực tế được giải ngân. Nói cách khác, chậm giải ngân gói hỗ trợ đồng nghĩa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chậm được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, có thể lỡ cơ hội sản xuất, kinh doanh, từ đó nền kinh tế lỡ nhịp phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành về việc triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, sau 3 tháng, dù các cơ quan liên quan đã rất cố gắng nhưng kết quả đạt được rất thấp, với tiến độ này việc giải ngân là rất khó khăn.
Một số nguyên nhân đã được chỉ ra, đó là khó xác định đối tượng được hỗ trợ, nhiều hộ kinh doanh nhưng không có đăng ký kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ; còn ngân hàng thương mại chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn nội bộ, tổ chức truyền thông đến khách hàng... Vì vậy, công việc cần thiết là nhanh chóng rà soát danh mục khách hàng, khi đáp ứng đủ điều kiện phải hướng dẫn, hoàn thiện ngay thủ tục. Những gì còn vướng mắc, các bộ, ngành phải vào cuộc hướng dẫn, giải thích cho các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, cân đối bố trí ngay nguồn vốn, nghiêm cấm ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố sẽ kiểm tra, giám sát, xử lý trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đủ điều kiện.
Liên quan đến quy định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị các bộ, ngành rà soát lại ngành nghề, đối tượng, điều kiện vay vốn để kịp thời điều chỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Trên hết, phải từ thực tiễn để linh hoạt giải quyết vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Có như vậy, gói hỗ trợ lãi suất - nguồn vốn giá rẻ giúp doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, mới sớm được giải ngân và phát huy tác dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.