Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ngừng hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nếu việc triển khai quá khó khăn.
Chiều 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận, tính đến hết tháng 8-2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn còn nhu cầu bổ sung nguồn lực, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình còn chậm, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình đến ngày 31-8-2023 chỉ đạt 33.840 tỷ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết (175.217,783 tỷ đồng). Trong khi thời gian còn lại để thực hiện chương trình chỉ còn khoảng 4 tháng (đến hết năm 2023), có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Từ đó, Chính phủ đề xuất cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của Chương trình đến hết năm 2025. Đồng thời, để tạo tính linh hoạt, chủ động trong triển khai, tránh gián đoạn trong việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn của chương trình, giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình, báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện theo quy định tại các nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị thực hiện đúng quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15, chỉ cho giải ngân đến hết năm 2023, sau năm 2023, đề nghị cắt giảm vốn, kết thúc chương trình, đối với các dự án cần triển khai thì bố trí nguồn vốn khác; một số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ.
Có ý kiến cho rằng, việc quy định hướng dẫn cụ thể nguyên tắc điều hòa linh hoạt vốn giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa bảo đảm tính khả thi, không đánh giá kỹ lưỡng, sát thực tế nên có cơ quan không triển khai thực hiện được do không còn dư địa để bố trí điều hòa linh hoạt các nguồn vốn.
Cắt giảm, không triển khai các chính sách không còn phù hợp
Về đề nghị nêu trên của Chính phủ, thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, do chương trình được xây dựng và ban hành trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu thực tế, trong khi các bước chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản quy mô lớn cũng không thể nhanh. Do vậy, Quốc hội cũng đã quyết nghị cho phép điều hòa vốn của Chương trình phục hồi với các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
“Thực tế cho thấy, chủ trương này đã góp phần khơi thông dòng vốn của Chương trình phục hồi và các dự án đang triển khai của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong những năm tới, đặc biệt những năm cuối của nhiệm kỳ, chúng ta cũng cần nguồn vốn của chương trình đầu tư công trung hạn điều hòa trở lại để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Chương trình”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích và đề nghị xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với phần vốn còn dư này.
Về đề nghị giảm toàn bộ số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện 5 dự án là 950 tỷ đồng và cho phép không thực hiện các dự án này; giảm số vốn của Chương trình đã bố trí cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là hơn 271 tỷ đồng của 2 dự án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc cắt giảm và không triển khai các dự án không còn khả năng thực hiện, giải ngân trong năm 2023 là cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều dự án đã được lựa chọn kỹ lưỡng khi đưa vào chương trình, nhất là các dự án liên quan đến chuyển đổi số, đào tạo nghề, tăng cường kết nối cung cầu lao động, nâng cao năng lực quản trị điều hành đối với giáo dục mầm non, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở giáo dục đại học. “Đề nghị cần nghiên cứu thêm để có quyết định phù hợp”, ông Bùi Văn Cường nói.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đánh giá thêm tác động, ý nghĩa của nghị quyết. Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm đối với một số nội dung cụ thể.
Trong đó, đối với hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực tế có địa phương triển khai rất tốt và kiến nghị tiếp tục tăng cường thực hiện chính sách này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục triển khai hỗ trợ từ nay đến cuối năm 2023, trường hợp việc triển khai quá khó khăn thì đề nghị không tiếp tục thực hiện.
Về kéo dài thời gian thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để vừa thúc đẩy việc giải ngân, vừa thực hiện nghiêm Nghị quyết thì nên tính thêm phương án cho kéo dài thực hiện đến hết năm 2024 và báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.