Chưa đầy một tháng kể từ ngày khai giảng năm học 2023-2024, câu chuyện tiền trường vẫn là chủ đề làm nóng nhiều diễn đàn, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Nhìn vào danh sách các khoản thu ở một vài nơi, có thể thấy rõ, khoản thu gây bức xúc nhất là khoản thường được gọi là “tự nguyện”, nhưng phần nhiều phụ huynh lại cảm thấy “buộc phải tự nguyện”.
“Nóng” với các khoản quỹ
Huyện Thanh Trì là cái tên được nhắc đến vài lần từ đầu năm học đến nay khi có 2 trường được nhắc tên liên quan đến các khoản thu.
Vào tháng 8, trước thông tin phản ánh về việc lớp 1A5 Trường Tiểu học Hữu Hòa “muốn lắp điều hòa cho con, phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng sẽ không được lắp”, UBND huyện đã thành lập tổ công tác xác minh. Kết quả xác minh khẳng định nhà trường không có chỉ đạo, không phát ngôn, yêu cầu hay bắt buộc các nội dung như thông tin phản ánh. Các phụ huynh đã tự lập nhóm để bàn bạc về việc lắp điều hòa.
Mới đây nhất, thêm một trường học của huyện Thanh Trì là Trung học cơ sở Tứ Hiệp bị phản ánh có nhiều khoản thu lạ xuất hiện trong bản thu chi với 25 đầu mục của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023 - 2024. Chẳng hạn, tiền tri ân các thầy, cô giáo dịp Tết từ 45 triệu đến 50 triệu đồng; tiền đóng kinh phí cho học sinh học bồi dưỡng từ 10 triệu đến 15 triệu đồng; kinh phí họp các trưởng ban các lớp, các trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường sơ kết học kì 1, tổng kết năm học từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng... Tổng số tiền dự kiến chi trong năm học là hơn 500 triệu đồng.
Sau cuộc họp phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) vào ngày 16-9, có thông tin phản ánh tình trạng lạm thu quỹ cha mẹ học sinh ở lớp 12 Văn. Mức thu quỹ học kỳ I với mỗi phụ huynh là 4,5 triệu đồng.
Được biết, tại cuộc họp, không ai có ý kiến và hầu hết phụ huynh đã đóng khoản này, tuy nhiên, sau đó lại có ý kiến bức xúc. Ngày 23-9, sau khi xác minh, nhà trường xác định lớp 12 Văn đã không thực hiện đúng quy định về điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định và yêu cầu trả lại các phụ huynh khoản thu này.
Vài ngày nay, bảng tạm thu của Trường Trung học cơ sở Đông Hội (huyện Đông Anh) trên mạng xã hội cũng gây xôn xao dư luận với tổng số tiền lên tới gần 7,5 triệu đồng/học sinh. Đáng chú ý là trong số đó, có những khoản thu gây bức xúc như học chuyên đề (hơn 2,1 triệu đồng/học sinh); học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài (hơn 1,6 triệu đồng/năm)… Danh mục này còn có các tiền quỹ nghe như na ná quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ chữ thập đỏ, tiền điều hòa…
Tăng cường giám sát
Cho đến thời điểm này, mới chỉ có lớp 12 Văn, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã trả lại toàn bộ khoản thu 4,5 triệu đồng tiền quỹ phụ huynh. Nhà trường cũng đã triệu tập cuộc họp bất thường với giáo viên chủ nhiệm tất cả các lớp để rà soát tình hình thu chi; quán triệt lại các văn bản liên quan.
Liên quan đến thông tin lạm thu ở huyện Thanh Trì, chiều 28-9, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát khẳng định, tinh thần chỉ đạo của huyện là xử lý nghiêm khắc tập thể, cá nhân vi phạm quy định liên quan đến công tác thu, chi và tuyệt đối không bao che cho hành vi vi phạm.
UBND huyện đã thành lập tổ công tác, giao nhiệm vụ cho các phòng liên quan gồm tài chính, thanh tra, giáo dục và đào tạo trực tiếp làm việc, xác minh tại nhà trường và làm việc với các cá nhân có liên quan từ chiều nay (28-9). Ngay sau khi có kết quả xác minh, Phòng sẽ thông tin rộng rãi.
Thực tế, dù cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn, nhưng câu chuyện tiền trường dường như năm nào cũng tái diễn.
Có nhiều nguyên nhân gây bức xúc, nhưng trước tiên, nhìn lại danh mục các khoản thu, có thể thấy, cách thức thu gộp, thu dồn các khoản vào dịp đầu năm là một căn nguyên.
Thực tế còn cho thấy, trong các khoản thu, có những khoản thu bắt buộc (như tiền học phí, tiền bảo hiểm y tế), có những khoản thu hộ (quỹ đội, quỹ đoàn, tiền nước uống…); có những khoản thu thoả thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường (như tiền ăn, tiền xe đưa đón…); lại có các khoản tự nguyện, thường do phụ huynh học sinh chủ trì…
Việc không minh bạch giữa các khoản thu, cào bằng, bổ đầu các khoản thu tự nguyện là vấn đề thường gây bức xúc nhất.
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT nêu rõ, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, nhưng trên thực tế, có nơi vẫn làm tắt, làm sai quy trình để đạt được sự tự nguyện.
Khi được hỏi, tại sao không có ý kiến ngay tại cuộc họp phụ huynh để chấn chỉnh, có phụ huynh chia sẻ, việc phản biện với ban đại diện lại không đơn giản, bởi thường sẽ bị số đông át đi, hoặc ban đại diện gặp trao đổi riêng. Vả lại, phụ huynh nào cũng ngại làm ảnh hưởng đến con. Tuy nhiên, khi tổng số tiền phải đóng quá lớn thì không phải ai cũng kiềm chế được, vậy mới có hiện tượng “tay phải đóng tiền quỹ nhưng tay trái vẫn ký đơn phản ánh”.
Ghi nhận thực tế tại các trường còn cho thấy, hiện nay có những khoản thu trong quy định nhưng lạc hậu, khiến các trường khó đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Ví dụ, theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội quy định thu, sử dụng khoản thu khác trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội, tiền chăm sóc bán trú (ở mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng; tiền trang thiết bị phục vụ bán trú với trẻ mầm non không quá 150.000 đồng/trẻ/năm học; với học sinh tiểu học, trung học cơ sở là không quá 100.000 đồng/học sinh/năm học...
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý của các nhà trường để đề xuất UBND thành phố điều chỉnh mức thu cho phù hợp. Thời điểm này, khi chưa có văn bản mới, Sở yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định này.
Để tránh những bức xúc liên quan đến quỹ phụ huynh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường thực hiện theo quy định tại Điều 10, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định và không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết, sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức các khoản thu, chi theo phân cấp quản lý và xử lý nghiêm khắc, không để tình trạng ban đại diện cha mẹ học sinh thu gì mà giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường không nắm được và không có trách nhiệm liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.