Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để phát triển sản xuất nông nghiệp

Hoàng Thu Vân| 05/02/2012 06:44

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo quy hoạch này, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2011-2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD.


Và để đạt mục tiêu đó, quy hoạch đã đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể, trong đó điển hình là việc cơ cấu lại sản xuất, đến năm 2020 phấn đấu nông nghiệp chiếm 64,7%, lâm nghiệp 2%, thủy sản 33,3%.

Từ quy hoạch trên có thể thấy sản xuất nông nghiệp vẫn là trọng tâm của toàn ngành với chỉ tiêu cụ thể từ năm 2020 giữ quỹ đất trồng lúa ổn định là 3,812 triệu héc ta. Rõ ràng trong điều kiện hiện nay, nhìn từ thực tế tại Hà Nội, việc thực hiện được những mục tiêu nêu trên không đơn giản. Vậy nên, bên cạnh quyết tâm cùng sự cố gắng, nỗ lực còn cần những giải pháp cụ thể để giải quyết những bất cập tồn tại. Trước hết, tốc độ đô thị hóa nhanh, dễ dẫn đến sự phát triển nóng, thiếu hoạch định, chiến lược. Những khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, khu chế xuất… cùng các khu đô thị mới và một số loại hình dịch vụ đang phát triển từng ngày, từng giờ, khiến cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp mà cụ thể là diện tích đất trồng lúa đang bị đe dọa, thậm chí đang bị "ngót dần". Vậy nên, từ quy hoạch của toàn ngành đưa ra những định hướng phát triển hết sức cụ thể, nằm trong một tổng thể thống nhất của quốc gia, các tỉnh, thành phố, thậm chí là từng huyện, từng xã phải gấp rút xây dựng quy hoạch chi tiết để bảo vệ quỹ đất dành cho phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung cũng như bảo vệ diện tích đất trồng lúa nói riêng.

Mặt khác, hiện nay người nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp, trong đó điển hình là việc trồng lúa. Tại sao có tình trạng trên? Cần thấy rằng lợi nhuận thu được trong việc trồng lúa hiện nay là quá thấp, thậm chí có những mùa vụ người nông dân còn lỗ vốn. Bên cạnh nguyên nhân ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, phải thấy rằng trong một thời gian dài chúng ta chưa coi trọng các giống lúa hàng hóa chất lượng cao. Cùng với đó là việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn cho quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; rồi những tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa nhanh chóng được ứng dụng trong sản xuất; cơ chế hỗ trợ vốn cho bà con nông dân còn nhiều bất cập… tất cả những điều đó vừa làm cho giá thành sản phẩm nông nghiệp cao, vừa không khuyến khích được người nông dân yên tâm với ruộng đồng. Cũng bởi lẽ đó, trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra một số vấn đề với mục tiêu là những con số cụ thể như: đầu tư công suất chế biến lúa gạo công nghiệp đạt 25 triệu tấn/năm; giảm tổn thất sau thu hoạch lúa còn 5-6%; cải thiện chất lượng gạo xuất khẩu. Đến năm 2015, giá trị gia tăng của gạo xuất khẩu tăng 10-15% so với hiện nay do áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm… Có như vậy mới nâng cao được giá trị sản lượng trên một hécta đất sản xuất nông nghiệp. Tương tự như vậy là các chỉ tiêu đặt ra đối với lâm nghiệp, thủy sản.

Đây là một quy hoạch tổng thể để phát triển sản xuất ngành nông nghiệp. Song, để thực hiện có hiệu quả quy hoạch này, cùng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp rất cần sự vào cuộc của các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp, của các nhà khoa học, hệ thống ngân hàng… Đó chính là điều kiện cần và đủ để tạo ra bước phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, "đánh thức" những tiềm năng hiện có và giúp bà con nông dân làm giàu, yên tâm xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để phát triển sản xuất nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.