Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để phát triển bền vững

Thiện Mỹ| 28/04/2022 05:59

(HNM) - Với vai trò là “mạch máu” của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng thương mại đã và đang triển khai mạnh mẽ kế hoạch tăng vốn điều lệ. Việc này hướng đến mục tiêu phục vụ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời tăng năng lực cạnh tranh, duy trì sự tăng trưởng nhanh, bền vững của chính các ngân hàng.

Trên thực tế, năm 2021 đã diễn ra “cuộc đua” về tăng vốn điều lệ giữa các ngân hàng và hoạt động này tiếp tục dồn dập trong năm 2022. Bằng nhiều cách thức thực hiện khác nhau, như: Phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho người lao động…, nhiều ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thêm hàng nghìn tỷ đồng, góp phần củng cố tiềm lực tài chính, đầu tư công nghệ để nâng cao năng lực quản trị…

Đây là việc cấp bách để bảo đảm “sức đề kháng” của ngành Ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 làm suy giảm đáng kể “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp, chưa kể nguy cơ xảy ra lạm phát trên thế giới ngày càng gia tăng. Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng củng cố nền tảng vững vàng, trụ vững trước khó khăn của nền kinh tế; giải “bài toán” giành thêm thị phần và gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động nghiệp vụ ngân hàng; đồng thời hoàn thành nhiệm vụ cung cấp vốn cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đây cũng là yếu tố tiên quyết mang tính dài hơi để các ngân hàng bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định; có thêm nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ, đón đầu xu hướng cung cấp các dịch vụ ngân hàng số - được dự báo có mức tăng trưởng lớn, mang lại hiệu quả cao...

Như vậy, việc tăng vốn điều lệ không chỉ có ý nghĩa riêng với ngành Ngân hàng, mà còn bảo đảm cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi. Tính chất quan trọng vừa cấp thiết, vừa lâu dài này đòi hỏi giải pháp tăng vốn phải thực sự hiệu quả.

Muốn vậy, trước hết, các ngân hàng phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại các văn bản: Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Quyết định số 422/QĐ-NHNN ngày 18-3-2022 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Mấu chốt của việc tăng vốn điều lệ là để bảo đảm an toàn hệ thống tài chính. Do đó, các ngân hàng phải đặc biệt coi trọng việc quản trị rủi ro, từ khâu phát hiện, đo lường đến kiểm soát và xử lý. Cụ thể là, theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; phân loại và quản lý nợ, hạn chế thấp nhất những rủi ro; thực hiện các giải pháp hiệu quả trong xử lý nợ xấu...

Cùng với đó, cần sử dụng đồng vốn tối ưu, hướng dòng vốn vay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tăng cường kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...

Hiện việc tăng vốn điều lệ đã được các ngân hàng hoạch định rõ ràng với lộ trình và kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Việc thực hiện bài bản, áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế liên quan (trong đó có tỷ lệ an toàn vốn) sẽ giúp các ngân hàng thương mại nói riêng, ngành Ngân hàng nói chung tăng cường nội lực, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.