Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để nông dân không phải "tự bơi"

Đình Hiệp| 11/08/2016 07:25

(HNM) - Việc xây dựng chuỗi liên kết “4 nhà” (bao gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) được xem là mô hình “lý tưởng” đối với sự phát triển của Ngành Nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng sau một thời gian triển khai, thực tế cho thấy chuỗi liên kết này vẫn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt ở hai mắt xích quan trọng là nông dân và doanh nghiệp.


Vai trò của mối liên kết “4 nhà” đã được đặt ra từ năm 2002 cùng với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-6-2002, về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng (Quyết định 80). Tiếp theo đó là một loạt chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy thực hiện mô hình này với mục tiêu giúp nông dân thuận tiện hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua kể từ khi Quyết định 80 đi vào cuộc sống, liên kết “4 nhà” vẫn còn nhiều hạn chế như: Thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, cả chủ quan và khách quan, từ phía các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng như người dân. Nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp có chung nhận định: Nguyên nhân quan trọng là thiếu vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước khi chưa đưa ra được cơ chế pháp lý rõ ràng, chưa hình thành được mô hình chỉ đạo và điều phối liên kết thật sự hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc liên kết vẫn chủ yếu dựa vào “mối quan hệ tốt đẹp” giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp, giữa nông dân với nông dân, hay giữa nông dân với doanh nghiệp, thiếu ràng buộc pháp lý nên hiệu quả chưa cao.

Chủ trương liên kết “4 nhà” gắn kết sản xuất và tiêu thụ là hướng đi đúng để Ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu. Để liên kết này thực sự đi vào chiều sâu và có chất lượng, trước hết cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, lưới điện, đồng thời nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ: nhà bảo quản, lò sấy, kho lạnh... để các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch đáp ứng được yêu cầu chất lượng.
Cùng với đó là việc rà soát lại cơ chế, chính sách hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản và thực hiện một cách đầy đủ, thiết thực, hiệu quả các cơ chế chính sách đó theo hướng hỗ trợ đầu tư có điều kiện và tái thu hồi cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết vào nông nghiệp, nông thôn.

Một giải pháp có ý nghĩa quyết định để tăng cường liên kết, bảo đảm thành công đó là sự cam kết, ràng buộc về trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm mang tính khả thi cao, chú ý khâu dự báo và tìm kiếm thị trường, đồng thời phải “lượng sức” khi đặt hàng với nông dân, tránh vượt quá khả năng dẫn đến phá hủy liên kết. Mặt khác, các hợp tác xã và người sản xuất cần tuân thủ các nội dung đã cam kết, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng điêu đứng, khó xử, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh khi tự ý phá vỡ hợp đồng…

Tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế toàn cầu đang mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế nước ta, song đi cùng với đó là không ít thách thức, đặc biệt với Ngành Nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị không chỉ là giải pháp quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà quan trọng hơn là giúp người nông dân không phải “tự bơi” để rồi phải chịu cảnh “được mùa rớt giá”. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để nông dân không phải "tự bơi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.