(HNM) - Tại hội nghị sơ kết cuộc vận động (CVĐ)
Tại hội nghị tổng kết 5 năm CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới đây, các đại biểu đều khẳng định, rất cần phát động DN sản xuất nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cạnh tranh. Đó là vấn đề cốt lõi nhất để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt không chỉ ở thị trường nội địa mà cả trên thế giới. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo TƯ thực hiện mới đây, có 92% người tiêu dùng (NTD) được hỏi "rất quan tâm" và "quan tâm" đến CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 63% số người tiêu dùng "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam", 54% NTD "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam"… Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen cũng cho biết, có đến 90% NTD tại TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt Nam và con số này ở Hà Nội là 83%.
Nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng là một giải pháp để hàng Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Thanh Hải |
Hiệu quả to lớn của CVĐ là các DN Việt Nam cùng ý thức được rõ hơn trách nhiệm của DN với cộng đồng. DN đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của NTD trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU... Câu chuyện về những chiếc thang máy của Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam đều đặn xuất bán cho công ty của Nhật Bản là một ví dụ. Gần đây, với trách nhiệm công dân, Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền đề xuất giải pháp cụ thể để hỗ trợ ngành sản xuất thang máy Việt phát triển. Đơn vị này đã trở thành DN đầu tiên của Việt Nam nhận Giấy chứng nhận Hợp quy dành cho các sản phẩm thang máy tải khách. Thang máy của Thiên Nam đã được Tổ chức Chứng nhận Quốc tế (ICB) chứng nhận các sản phẩm này phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và công ty này đã trở bán nhà sản xuất thang máy lớn nhất cả nước với sản lượng 600-700 chiếc/năm.
Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ, tác động tích cực đến thói quen mua sắm của NTD Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người dân vẫn băn khoăn về chất lượng của nhiều loại hàng hóa Việt. Chất lượng của nhiều sản phẩm hàng Việt chưa tốt và NTD sẽ không thể ưu tiên những hàng hóa quay lưng lại với lòng tin của họ.
Nhiều sản phẩm Việt sản xuất ra có uy tín, được xuất khẩu sang nhiều nước, thậm chí nhiều sản phẩm trong nước sản xuất được gắn thương hiệu nước ngoài, sử dụng rất tốt. Nhưng cùng nhãn hiệu đó, chất lượng hàng dành cho thị trường "nội" lại rất kém. Một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sản xuất ra nhưng chỉ để xuất khẩu và người dân vẫn dùng hàng ngoại. Trước thực tế đó, Ban Chỉ đạo TƯ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đề nghị Hội Bảo vệ NTD tham gia giám sát chất lượng của các nhà sản xuất. Và cũng rất cần có CVĐ "Nhà sản xuất Việt Nam yêu NTD Việt Nam", "DN Việt sản xuất hàng Việt tốt". Cùng với đó là các biện pháp hỗ trợ bảo vệ thương hiệu cho hàng Việt.
Cùng với việc vận động nhân dân dùng hàng Việt thì phát động DN sản xuất nhiều hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, giá cạnh tranh có thể xem là vấn đề cốt lõi nhất để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam không chỉ ở thị trường nội địa, mà cả trên thế giới. Bên cạnh đó, cần chú ý những hàng rào kỹ thuật, các biện pháp kiểm soát thị trường để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng vào thị trường nội địa. Tóm lại các nhà sản xuất cần làm ra những sản phẩm tốt, nhà phân phối không buôn bán hàng giả, kém chất lượng, nhà quản lý đưa ra những chủ trương tốt và NTD có ý thức tẩy chay hàng hóa không rõ nguồn gốc, ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng...
Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ hàng Việt, đưa 170 chuyến hàng về ngoại thành, vùng sâu, vùng xa và nhiều phiên chợ tết. Các doanh nghiệp (DN) tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá bán, tăng cường giới thiệu hàng hóa đến với NTD... Thời gian tới, để CVĐ đạt kết quả khả quan hơn, BCĐ CVĐ TP Hà Nội chỉ đạo Sở Công thương cùng các ngành liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình "Hành động vì quyền lợi NTD", nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức về quyền lợi NTD và Luật bảo vệ NTD; đẩy mạnh công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu. Các ngành chức năng cần tạo điều kiện để DN Việt Nam đưa hàng vào siêu thị; phối hợp tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về vùng xa trung tâm, các khu công nghiệp... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.