(HNM) - Phát triển nhà ở cho công nhân lao động nói chung, công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Thực tế, các cấp, ngành, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm giải pháp và triển khai nhiều dự án nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, số dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu về nhà ở của lực lượng công nhân.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha. Riêng công nhân khu công nghiệp, diện tích nhà chỉ đủ bố trí cho hơn 330.000 người, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020. Trong khi đó, cả nước có 394 khu công nghiệp và hàng nghìn cụm công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động làm việc.
Lý do khiến các dự án nhà ở công nhân khó triển khai trên địa bàn cả nước là vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đầu tư nhà ở cho công nhân là đầu tư không lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp nên không hấp dẫn doanh nghiệp nếu không có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thỏa đáng. Mặt khác, trách nhiệm xây dựng nhà ở cho công nhân của chủ đầu tư khu công nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động cũng chưa rõ ràng. Chưa kể, nhiều khu công nghiệp không bố trí quỹ đất hoặc gặp khó khăn khi tìm quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân.
Việc thiếu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp dẫn đến thực trạng công nhân phải di chuyển xa, doanh nghiệp sử dụng lao động phải bố trí xe đưa đón công nhân, gây tốn thời gian và chi phí. Công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà tạm, không đủ điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Đặc biệt, tại một số địa phương, số lượng công nhân ở trọ rất lớn, lên tới hàng vạn người, làm gia tăng mật độ dân số, tạo sức ép lên hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là môi trường sống có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, khó kiểm soát.
Ngày 12-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn, bao gồm cả nhà ở công nhân.
Để đạt mục tiêu về nhà ở, rõ ràng cần phải có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, bao gồm cả hỗ trợ từ ngân sách về vốn, lãi suất khi doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân. Đi cùng với đó, mỗi địa phương phải coi chỉ tiêu phát triển nhà ở công nhân là chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển nhà ở nói chung, để bổ sung quy hoạch, bổ sung quỹ đất, rút gọn thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án. Đặc biệt, mỗi dự án phát triển khu công nghiệp phải đồng bộ các khu chức năng văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở… và ràng buộc rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc hoàn thiện các thiết chế này. Về lâu dài, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân nói chung, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng cần được xây dựng trong luật hoặc nghị định, để có tính pháp lý cao thay vì chỉ dừng ở khuyến khích.
Với các doanh nghiệp, lực lượng công nhân lao động là chủ thể quan trọng, đóng góp vào sự phát triển lâu dài, bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở gắn với hoàn thiện các thiết chế văn hóa đi cùng các chính sách đãi ngộ sẽ góp phần để công nhân thêm gắn bó, cống hiến hết mình với doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.