Dân hỏi - chính quyền trả lời

Phân định thẩm quyền liên quan đến phòng, chống ma túy khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

baochinhphu,vn 07/07/2025 - 16:21

Chính phủ ban hành Nghị định số 184/2025/NĐ-CP quy định phân định thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

Phân định thẩm quyền liên quan đến phòng, chống ma túy khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp- Ảnh 1.

Cụ thể, về phân định thẩm quyền tại Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định số 184/2025/NĐ-CP quy định: Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp huyện quy định tại điểm a và d khoản 6 Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy chuyển cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Như vậy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền trên địa bàn cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; bố trí kinh phí hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Ngoài ra, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện quy định tại các điểm b, c và đ khoản 6, khoản 8 Điều 30 Luật Phòng, chống ma túy chuyển cho Giám đốc Công an cấp tỉnh. Như vậy, Giám đốc Công an cấp tỉnh sẽ thực hiện: Tiếp nhận đăng ký và công bố danh sách tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; thông báo cho UBND cấp xã danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thì được đăng ký cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Phân định thẩm quyền trong bảo đảm an ninh trật tự, điều trị bệnh tại cơ sở cai nghiện

Nghị định số 184/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Về bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh tại cơ sở cai nghiện, Nghị định số 184/2025/NĐ-CP chuyển thẩm quyền của các cơ quan cấp huyện cho các cơ quan cấp xã. Cụ thể, khi phát sinh vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, phòng, chống dịch bệnh và điều trị bệnh tại cơ sở cai nghiện, cơ sở cai nghiện đề nghị cơ quan y tế cấp xã, cơ quan công an cấp xã nơi đặt trụ sở của cơ sở cai nghiện phối hợp giải quyết.

Trường hợp cần thiết hoặc ngoài khả năng xử lý của các cơ quan cấp xã thì cơ sở cai nghiện báo cáo Công an cấp tỉnh; Công an cấp tỉnh có trách nhiệm đề nghị Sở Y tế cử người để phối hợp giải quyết. Trường hợp cơ quan được đề nghị không cử người hỗ trợ phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thay đổi thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện

Theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP thì Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện trong địa bàn quản lý.

Nghị định số 184/2025/NĐ-CP chuyển thẩm quyền trên Cho Giám đốc Công an cấp tỉnh thực hiện.

Theo đó, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện gửi trực tiếp, qua bưu điện hoặc phương thức điện tử 01 bộ hồ sơ theo quy định đến Công an cấp tỉnh. Trường hợp gửi hồ sơ theo phương thức điện tử, cơ sở cai nghiện có trách nhiệm lưu giữ toàn bộ bản gốc của hồ sơ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi cơ sở cai nghiện đặt trụ sở có trách nhiệm tổ chức thẩm định hồ sơ, các điều kiện hoạt động và quyết định cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Phân định rõ trách nhiệm của các Bộ trong công tác cai nghiện ma túy

Nghị định số 184/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy.

Cụ thể, Bộ Công an: a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Chỉ đạo Công an các địa phương tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện tự nguyện; biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện tự nguyện; biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật;

c) Thành lập, giải thể và tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập; hướng dẫn thành lập, giải thể và tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân; ban hành tiêu chuẩn xây dựng Cơ sở cai nghiện ma túy; hướng dẫn việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;

d) Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành khác có liên quan, UBND cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy;

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy (quản lý người cai nghiện, sau cai nghiện ma túy, mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện); triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;

e) Thực hiện chế độ thống kê, thông tin, báo cáo về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật;

g) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

Bộ Y tế: a) Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan y tế tại địa phương thực hiện phối hợp tiếp nhận, phân loại; tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác trong thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng;

b) Nghiên cứu các bài thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy;

c) Phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh và khám sức khỏe định kỳ cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: a) Phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc tổ chức dạy và học tại cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm tra chất lượng học tập, tổ chức thi và cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp tương ứng với chương trình học cho người cai nghiện; thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người sau cai nghiện ma túy.

Bộ Tài chính: a) Phối hợp với Bộ Công an tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương để thực hiện công tác áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện và quản lý sau cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

b) Ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng tôn giáo các cấp theo chức năng chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về cai nghiện ma túy và các cơ quan liên quan cùng cấp hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân định thẩm quyền liên quan đến phòng, chống ma túy khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.