(HNMO) - Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) được Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Phùng Quốc Hiển trình bày trong sáng 21/10 nhận được nhiều ý kiến của các ĐB.
Chủ tịch Uỷ ban TCNS Phùng Quốc Hiển cho biết, về nguyên tắc kế toán, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về thời điểm xác định giá trị hợp lý; bổ sung nguyên tắc, tiêu chí và xác định cụ thể danh mục các loại tài sản được ghi nhận theo giá trị hợp lý.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu và bổ sung vào khoản 4 Điều 6 của Dự thảo luật nguyên tắc: Báo cáo tài chính phải được lập và báo cáo cơ quan có thẩm quyền một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Có ý kiến đề nghị nâng tiêu chuẩn và điều kiện của người làm kế toán là có bằng trung cấp trở lên. |
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trong Dự thảo luật. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán bao gồm các quy định về nguyên tắc và phương pháp hạch toán rất chi tiết, cụ thể từng nghiệp vụ phát sinh, những quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp đối với kế toán viên...
Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay rất rộng, gồm 26 chuẩn mực được Bộ Tài chính ban hành tại 5 Quyết định và 6 Thông tư nên khó có thể đưa hết các nội dung này vào luật. Do đó, Dự thảo luật chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc và giao Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán cụ thể trên cơ sở tham khảo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Với tiêu chuẩn của người làm kế toán, có ý kiến đề nghị nâng tiêu chuẩn và điều kiện của người làm kế toán là có bằng trung cấp trở lên.
Về điều này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến đại biểu là xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng công tác kế toán. Mặc dù trong thời gian qua, những người có trình độ về kế toán từ trung cấp trở lên đã được đào tạo rất nhiều, song tình trạng thiếu kế toán tại các đơn vị kế toán quy mô nhỏ ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn xảy ra.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xin Quốc hội cho phép giữ quy định người làm kế toán cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán như Luật hiện hành, tùy thuộc vào điều kiện nguồn nhân lực và yêu cầu của đơn vị kế toán để bố trí người làm kế toán cho phù hợp.
Rút ngắn thời gian kiểm tra kế toán xuống tối đa không quá 5 ngày
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý về dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để dự thảo Luật được hoàn chỉnh hơn.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phát biểu tại hội trường |
Về quy định kiểm tra kế toán, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, thời gian tiến hành một cuộc kiểm tra kế toán quy định tại Điều 37 là không quá 10 ngày. Đây là khoảng thời gian quá dài, không phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc nâng cao năng lực cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước. Dẫn chiếu sang Luật Quản lý thuế cho thấy thời hạn tiến hành một cuộc kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp không quá 5 ngày làm việc.
Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội xem xét cho sửa đổi quy định tại Điều 37 theo hướng rút ngắn thời gian kiểm tra xuống còn tối đa không quá 5 ngày làm việc. Trường hợp có nội dung phức tạp cần có thời gian để đối chiếu, kết luận thì được gia hạn thêm, nhưng tổng thời gian tối đa không quá 10 ngày.
ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kế toán quá phức tạp. "Nếu muốn hành nghề kế toán phải trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ, phải đăng ký hành nghề kế toán và giấy hành nghề kế toán chỉ có giá trị khi người được cấp làm việc tại doanh nghiệp dịch vụ kế toán hoặc làm việc tại hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Do đó, nên bỏ Khoản 3 quy định này" -ĐB đề nghị.
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) |
Góp ý kiến về chuẩn mực về kế toán, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị, nên bổ sung thêm các quy định cụ thể về chuẩn mực kế toán vì đây là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực quan trọng trong áp dụng cho người làm kế toán.
Về hành vi nghiêm cấm, đại biểu đề nghị dự án luật cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đối với hành vi là bản thân người làm kế toán giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán, hóa đơn, các tài liệu kế toán khác và hành vi người làm kế toán thỏa thuận hoặc ép buộc người khác thực hiện hành vi nói trên nhằm đảm bảo việc chế tài xử lý mới cho phù hợp với hành vi phạm tội.
Đồng thời, đại biểu Huỳnh Văn Tính đề nghị xem xét bổ sung các hành vi bị cấm khác như lập hai hệ thống kế toán tài chính trở lên, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề kế toán, dịch vụ kế toán mà không đăng ký theo quy định pháp luật các hành vi khác về kế toán mà pháp luật nghiêm cấm.
Trong phiên làm việc chiều nay, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.