Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để không còn phải... bốc thăm

Đỗ Quỳnh Chi| 29/08/2022 06:32

(HNM) - Trong hai ngày 27 và 28-8, sự việc hàng trăm gia đình có trẻ trong độ tuổi học mầm non trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) tham gia bốc thăm để có suất vào học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt nhận được nhiều sự chia sẻ của dư luận.

Là trường mầm non công lập duy nhất trên địa bàn phường Hoàng Liệt, năm học 2022-2023, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt 459 chỉ tiêu tuyển sinh cho cả 3 lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, tổng hồ sơ đăng ký là gần 1.000 trường hợp. Trước thực tế đó, sau khi tổ chức 4 cuộc họp với cha mẹ học sinh và đa số các ý kiến đề xuất phương án bốc thăm, Trường Mầm non Hoàng Liệt đã đề xuất với các cấp lãnh đạo tổ chức bốc thăm tuyển sinh.

Sự việc phải bốc thăm để có suất đi học để lại nhiều suy nghĩ về công tác dự báo phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch… ở nhiều khu vực đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Bởi hơn 20 năm về trước, khi định hình nên Khu đô thị Linh Đàm (thuộc địa bàn hành chính phường Hoàng Liệt), những người làm quy hoạch rất tự hào vì thiết kế được một bán đảo đẹp, đáng sống. Nhưng rất nhanh sau đó, khi công tác quản lý quy hoạch bị buông lỏng, “đô thị kiểu mẫu” Linh Đàm đã bị phá nát bằng những tòa nhà chung cư cao tầng với mật độ dày đặc, đưa Hoàng Liệt trở thành phường có số dân thuộc hàng đông nhất, nhì cả nước, với trên 83.000 người. Cũng vì thế, nơi đây hằng năm sẽ có thêm khoảng 2.000 trẻ trong độ tuổi mầm non. Không chỉ vậy, hạ tầng y tế, nơi đỗ xe, chợ… ở đây cũng luôn trong tình trạng quá tải.

Rất tiếc, những sự thiếu hụt về mặt hạ tầng xã hội ở Hoàng Liệt và nhiều khu đô thị khác trên địa bàn Hà Nội đã được cảnh báo từ trước, nhưng việc đưa ra giải pháp thích ứng lại không theo kịp.

Lẽ tất nhiên, những bản quy hoạch đô thị ở Linh Đàm nói riêng và nhiều khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội không phải là thứ bất biến. Chúng cần được điều chỉnh khi thực sự cần thiết, trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh ra sao cũng phải trên một nguyên tắc cốt lõi là hướng tới lợi ích và chất lượng cuộc sống của cộng đồng, chứ không phải của một nhóm nhỏ chủ đầu tư dự án. Đồng thời với điều chỉnh quy hoạch đô thị phải dành nguồn lực đầu tư thích đáng vào hạ tầng xã hội đi kèm, như: Trường học, cơ sở y tế, chợ, đường giao thông…

Thực tế cho thấy, quy hoạch nhiều khu đô thị ở Hà Nội thời gian qua bị điều chỉnh khiến không gian sống ở những khu vực này trở nên ngột ngạt, chất lượng sống của người dân đi xuống, bộ mặt đô thị lộn xộn... Nhiều khu đất được bố trí làm trường học công lập bằng cách nào đó chuyển sang xây trường tư, thậm chí là nhà ở thương mại. Và gốc rễ của các vấn đề này vẫn là ở con người. Khi hệ lụy của việc “băm nát” quy hoạch đô thị được phơi bày, trách nhiệm đầu tiên không phải của nhà đầu tư mà của chính các cơ quan quản lý quy hoạch và xây dựng.

Để giải quyết tình trạng này, cần một cơ chế giám sát minh bạch, chế tài xử lý nghiêm minh, mang tính chất răn đe cao, nhằm loại bỏ “lợi ích nhóm” trong lập và điều chỉnh quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước là quan trọng, nhưng sự giám sát của nhân dân cũng cần thiết không kém để có thể kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm.

Để không còn xảy ra việc bốc thăm như ở phường Hoàng Liệt vừa qua, chắc chắn cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tất cả các ngành, các cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không còn phải... bốc thăm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.