(HNM) - Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của TP Hà Nội đã có những tiến bộ nổi bật trong năm qua nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn trao đổi với người dân xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Anh Tuấn |
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế..., cũng là nơi diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Do đó, khối lượng công việc, nhiệm vụ đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó có công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo lớn hơn, đòi hỏi cao hơn so với các địa phương khác.
Trước yêu cầu từ thực tiễn, Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã ban hành Chỉ thị 15-CT/TU, ngày 16-12-2016, về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội", thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chỉ thị, phân công đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm Trưởng ban. Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã xây dựng và ban hành các văn bản để triển khai kế hoạch hoạt động năm 2017.
Bên cạnh việc tham mưu cho Thành ủy về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố; thường xuyên rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc công dân khiếu kiện bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết.
Chất lượng giải quyết các vụ việc; nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng lên. Cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở, đều tích cực tham gia công tác này. Tám tháng sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã đưa được 37 vụ việc ra khỏi danh sách vụ việc tồn đọng, phức tạp cần theo dõi, trong đó không ít vụ việc phức tạp, kéo dài.
Đến cuối năm 2017, 12/45 vụ việc phức tạp tồn đọng còn lại tiếp tục được giải quyết hiệu quả, được loại ra khỏi danh sách. Kết quả có tính đột phá này đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan thành phố đã thu hồi cho Nhà nước 2,6 tỷ đồng và 2.982m2 đất; hoàn trả công dân 7,02 tỷ đồng và 840m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 64 tập thể và 61 cá nhân để xảy ra vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 4 vụ...
Trách nhiệm, hành động
Sự ra đời và hoạt động của Ban Chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU đã mang lại hiệu quả rõ nét, sinh động trong triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Sau khi xảy ra vụ việc mất an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, trong đó có vai trò chủ chốt của các thành viên Ban Chỉ đạo, 30 quận, huyện, thị xã và các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy đã cùng vào cuộc rà soát, phân tích, tổng hợp, lập danh sách 200 vụ việc phức tạp tại cơ sở chưa được giải quyết dứt điểm.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017, "Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy tiếp tục được Ban Thường vụ Thành ủy phân công làm Trưởng ban Chỉ đạo của Thành ủy thực hiện Nghị quyết.
Sau hơn 5 tháng thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU, dưới sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo, toàn thành phố đã giải quyết xong 82/200 vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong tổng số 326 vụ việc do 30 quận, huyện, thị xã thống kê, đến cuối tháng 12-2017 đã có 126 vụ việc được giải quyết xong. Ngoài ra, trên cơ sở rà soát, các cấp ủy Đảng còn củng cố, kiện toàn kịp thời hàng chục tổ chức cơ sở Đảng. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15 đã giúp cấp ủy các cấp nhận thức mới về công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tạo chuyển biến đáng kể trong hành động. Nhiều biện pháp mới, cách làm sáng tạo đã được triển khai.
Đáng chú ý, lần đầu tiên, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và ban hành "cẩm nang" về quy trình tuyên truyền giải quyết "điểm nóng". Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, dù không thể áp dụng cho tất cả các vụ việc, nhưng nhờ "cẩm nang" này, hệ thống tuyên giáo sẽ tăng cường tính chủ động, khắc phục hiện tượng lúng túng khi triển khai nhiệm vụ tuyên truyền trước việc mới, việc nóng.
Nhận xét về kết quả này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: "Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và các đồng chí thành viên đã dành nhiều thời gian, công sức, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát với công việc".
Đánh giá về hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TP Hà Nội trong năm 2017, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đều cho rằng, những vụ việc của Hà Nội gửi về Trung ương đã giảm rất nhiều. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhận định, Hà Nội đã có bước tiến mới, thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Có thể nói, hai Ban Chỉ đạo của Thành ủy về thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU và thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU đã khẳng định được vai trò, đóng góp quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho Hà Nội luôn là điểm đến an toàn, tin cậy; góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước trong năm qua. Năm 2018, nhiệm vụ đặt ra vẫn rất nặng nề, nhất là phải xử lý dứt điểm 118/200 vụ việc phức tạp, nổi cộm được thống kê trước khi ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đã nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm với tinh thần tập trung giải quyết kịp thời để những vụ việc nhỏ được hòa giải, những vụ việc phát sinh được giải quyết dứt điểm ngay, không trở thành "điểm nóng".
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải rà soát, xem xét tập trung ở những địa bàn có nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm. Mỗi tháng, chọn một địa bàn để tập trung chỉ đạo. Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nếu vài lần có chỉ đạo, nhưng việc giải quyết các vụ việc không chuyển biến, thành phố sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan. "Cần tăng cường thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức có trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo thấp" - đồng chí Đào Đức Toàn lưu ý.
Cũng theo chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, năm 2018, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ hoàn thiện việc số hóa lượng đơn, thư trên địa bàn thành phố để phục vụ việc theo dõi, giám sát và giải quyết, không để tồn đọng, gây bức xúc cho nhân dân và làm phát sinh thêm đơn, thư. "Phải đặt lên bàn Ban Chỉ đạo những vụ việc nóng, nổi cộm để kịp thời xem xét, giải quyết thỏa đáng cho nhân dân" - đồng chí Đào Đức Toàn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.