Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để Hà Nội đứng đầu về thương mại điện tử

Thanh Hiền| 01/05/2021 06:17

(HNM) - Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế Thủ đô trong năm 2021. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan về các giải pháp của thành phố nhằm đạt mục tiêu trở thành địa phương đứng đầu cả nước về thương mại điện tử.

Người tiêu dùng thanh toán bằng hình thức quét mã QR trong sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt” tại Hà Nội, tháng 11-2020. Ảnh: Đỗ Tâm

- Năm 2021, thành phố Hà Nội tiếp tục xếp hạng thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử, sau thành phố Hồ Chí Minh. Bà đánh giá thế nào về kết quả này?

- Việc đứng thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử là kết quả của hàng loạt giải pháp thành phố Hà Nội đã triển khai nhằm phát triển thương mại điện tử thời gian qua: Từ việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt ở các lĩnh vực, đến xây dựng các trang thương mại điện tử tiêu thụ nông sản… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử càng được thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển.

Trong năm 2020, thương mại điện tử trên địa bàn thành phố tăng trưởng 30%, với 12.359 website/ứng dụng, đóng góp 8% trong tổng mức bán lẻ của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

- Xin bà cho biết những giải pháp để Hà Nội phát triển mạnh thương mại điện tử thời gian qua?

- Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất. Nhiều năm qua, Hà Nội luôn xếp thứ hai cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Một số giải pháp nổi bật có thể kể tới là Sở Công Thương phối hợp Bộ Công Thương thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với các trang thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm xuất khẩu hàng hóa. Để ứng phó với dịch bệnh và thông qua các chương trình kích cầu, các doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ ứng dụng bán hàng, thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm tiếp vận, hệ thống kho hàng hóa… để hỗ trợ thương mại điện tử phát triển.

- Thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng cũng bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát. Xin bà cho biết rõ hơn về những bất cập này?

- Đặc điểm của hoạt động thương mại điện tử là trên không gian mạng, các giao dịch diễn ra không phụ thuộc vào vị trí địa lý, khoảng cách. Vì vậy việc thu thập cơ sở dữ liệu quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử tương đối khó khăn, nhất là với hoạt động thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội.

Ngoài ra, những hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực này đang là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng. Chưa kể, hầu hết giao dịch không có hóa đơn, chứng từ nên khi người mua gặp phải hàng giả, hàng nhái thì công tác xử lý càng phức tạp.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố, kịp thời xử lý vi phạm. Điển hình, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý 191 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó khởi tố hình sự 68 vụ đối với 114 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 123 vụ, tổng tiền phạt hơn 2 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 350 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 250 vụ, với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng...

- Xin bà cho biết mục tiêu phát triển thương mại điện tử của Hà Nội thời gian tới?

- Thời gian tới, Hà Nội phấn đấu đứng đầu về phát triển thương mại điện tử. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 19-3-2021 về phát triển thương mại điện tử trong năm 2021 trên địa bàn thành phố, với mục tiêu doanh số thương mại điện tử chiếm 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ; tỷ lệ dân số Thủ đô tham gia mua sắm trực tuyến đạt 45%; 60% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng có hóa đơn điện tử…

Thành phố sẽ triển khai 17 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp; tiếp tục cập nhật và hoàn thiện tính năng, nội dung và hình thức của Chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn (www.chonhaminh.gov.vn) và ứng dụng trên nền tảng di động.

Cùng với đó, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử... và hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua. Tập trung phát triển logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử. Kết nối chuỗi cung ứng thương mại điện tử với doanh nghiệp sản xuất để tối ưu hóa chi phí và thời gian đưa hàng hóa ra thị trường…

Đặc biệt, chúng tôi sẽ nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ chuyên trách về thương mại điện tử; đồng thời tổ chức các hoạt động kích cầu, hỗ trợ xuất khẩu thông qua thương mại điện tử và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Hà Nội đứng đầu về thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.