Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để đồng bộ từ trên... xuống dưới

Hoàng Thu Vân| 13/12/2014 06:27

(HNM) - Trong nhiều chuyện của ngành giáo dục hiện nay, có những vấn đề khiến người ta hoang mang, không biết nên thực hiện thế nào cho đúng, cho chuẩn.


Cũng bởi có nhiều sự... đổi mới bằng cách này, cách khác, nhưng khổ nỗi, cơ sở chưa kịp đổi mới thì cấp trên đã nhìn thấy bất cập, do đó lại cần tiếp tục điều chỉnh để... đổi mới có hiệu quả. Điều đó khiến cho những người làm nghề đứng bục giảng bài nhiều khi rơi vào tình trạng "hoa mắt, chóng mặt" trong triển khai thực hiện.

Xin dẫn chứng. Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT), Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định, từ ngày 1-7-2012 không tồn tại việc DTHT ở cấp tiểu học, trừ trường hợp tổ chức bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống. Tháng 8-2014 lại có Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh tiểu học. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, quy định việc "tăng nhận xét, hạn chế cho điểm", không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 (năm học 2013-2014) và mới đây là đổi mới kiểm tra đánh giá với toàn bộ học sinh tiểu học theo hướng không chấm điểm trong quá trình đánh giá thường xuyên... là nhằm chấn chỉnh tình trạng DTHT trái quy định nói riêng và những tiêu cực khác trong giáo dục ở bậc tiểu học nói chung.

Thật mừng, nhưng cách nêu chung chung của "vế thứ hai" trong Thông tư 17/2012 sau đó đã bị lợi dụng, dẫn đến nhiều nơi "thực hiện nghiêm" việc không DTHT nhưng lại tổ chức các câu lạc bộ là hình thức biến tướng để người dạy thêm và học sinh có nhu cầu học thêm có thể "tự nguyện" tham gia. Thanh tra, kiểm tra không xuể, đầu tháng 11 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tiếp tục ban hành chỉ thị về chấn chỉnh DTHT ở bậc tiểu học; đồng thời nhắc lại nhiều "điều cấm" mà Bộ đã ban hành trong nhiều văn bản trước đó.

Tưởng vậy là mọi việc đã rõ. Song mới đây, tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo các phòng GD-ĐT thuộc 17 tỉnh thành phía Nam, diễn ra ở TP Hồ Chí Minh trong 2 ngày 10 và 11-12, một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT lại khẳng định: "Bộ không cấm giáo viên tiểu học dạy thêm". Có lẽ vì quá bất ngờ, một đại biểu đã trích dẫn vấn đề này trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Sau đó, vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: "Chúng tôi sẽ xem lại nội dung này. Tuy nhiên chủ trương là không cấm giáo viên tiểu học dạy thêm, chỉ không cho phép dạy thêm đối với học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày mà thôi". Như vậy, phải chăng những quy định về DTHT ở cấp tiểu học tới đây sẽ lại có thêm... những nét mới?

Câu chuyện nêu trên là công việc chuyên sâu của ngành chức năng, không bàn luận thêm mà xin đề cập tới một khía cạnh khác. Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra, một số bộ luật đã được sửa đổi, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt trong đó, nhiều nội dung tại một số bộ luật được thay đổi dựa trên phương pháp tiếp cận mới. Mục tiêu hướng tới là tất cả đều minh bạch, rõ ràng, mọi đơn vị, tổ chức, công dân đều có thể tiếp cận với những quy định cụ thể của pháp luật. Điều đó sẽ tránh được những "khoảng tối" mà người ta có thể lợi dụng để sách nhiễu, tiêu cực. Cách xây dựng luật như vậy là phù hợp với xu hướng phát triển, khắc phục tình trạng không quản được thì cấm đoán một cách máy móc, cứng nhắc, kìm hãm sự phát triển của xã hội...

Với việc đổi mới công tác xây dựng luật như đã nêu, chắc chắn những văn bản dưới luật bao gồm Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư... sẽ phải có những điều chỉnh cho phù hợp với quy định khung của luật pháp. Như vậy những người làm công tác đứng trên bục giảng nói riêng cũng như toàn xã hội nói chung cũng bớt khổ khi phải "chạy theo" thực hiện những nét mới trong từng văn bản, hướng dẫn, chỉ thị... ban hành. Ấy cũng là sự đổi mới, cải cách cần phải làm ngay để... đồng bộ từ trên xuống dưới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để đồng bộ từ trên... xuống dưới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.