Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để doanh nghiệp mạnh hơn

Hoàng Hà| 08/06/2021 06:06

(HNM) - Đích đến cuối cùng của cổ phần hóa là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh; tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động cho doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến nay, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra rất chậm.

Điều này thể hiện qua con số hiện vẫn còn 89/128 doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (giai đoạn 2017-2020), trong đó dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh với 38 doanh nghiệp; Hà Nội 13 doanh nghiệp… Thực tế này cho thấy, nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo sẽ còn rất nặng nề.

Câu hỏi đặt ra lúc này là đến bao giờ 89 doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa mới hoàn thành, trong khi vẫn còn nhiều nguyên nhân đang cản trở tiến trình này chưa được giải quyết. Đơn cử, như quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp (chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty) gặp vướng mắc trong việc hoàn thiện thủ tục xác định giá trị đất đai, giá trị doanh nghiệp, trong khi diện tích đất, khối lượng tài sản của các doanh nghiệp rất lớn, lại nằm ở nhiều tỉnh, thành phố. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp chưa thể triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch. Song, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa tích cực, còn tư tưởng ngại khó, ngại va chạm… Những yếu tố chủ quan và khách quan như trên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trước mắt, các bộ, ngành cần sớm xây dựng, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát những vấn đề liên quan đến phương án cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa để có phương án xử lý kịp thời. Song song, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu là làm sao để các doanh nghiệp phải thấy được động lực cổ phần hóa, khi đó chính doanh nghiệp sẽ chủ động tìm giải pháp, đề xuất tháo gỡ vướng mắc. 

Một điều quan trọng nữa là các bộ, ngành, địa phương và đơn vị chủ quản cần “xắn tay” cùng tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, nhất là việc hoàn thiện thủ tục xác định giá trị đất đai, định giá tài sản doanh nghiệp. Đối với mỗi doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, đơn vị chủ quản cần khẩn trương phối hợp rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án xử lý, trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến về phương án, giá đất và phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đồng thời có biện pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất thiệt hại, không để ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cộng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, với tinh thần để các doanh nghiệp mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ sớm hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để doanh nghiệp mạnh hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.