(HNM) - Trong phát biểu tại một hội nghị về tổ chức hoạt động của Ban Công tác Mặt trận (CTMT), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từng ví: Ban CTMT ở địa bàn dân cư như
Đúng vậy, với vai trò cầu nối trong việc đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, Ban CTMT ngày càng có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Là cánh tay nối dài của MTTQ các cấp, những năm qua Ban CTMT ở địa bàn dân cư TP Hà Nội không ngừng phát huy dân chủ, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, huy động được sức mạnh nội lực và tinh thần sáng tạo của quần chúng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô… Hiện toàn thành phố có 5.128 Ban CTMT, tương đương với từng ấy tổ chức là hàng nghìn cán bộ CTMT cơ sở bao phủ khắp địa bàn thôn, làng, tổ dân phố ở 584 phường, xã, thị trấn ở nội, ngoại thành.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, hoạt động của Ban CTMT còn gặp không ít khó khăn, bất cập. Một bộ phận cán bộ của các ngành, các cấp và cả MTTQ chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò cũng như trách nhiệm của Ban CTMT. Một số phong trào, cuộc vận động tổ chức ở địa bàn dân cư còn chồng chéo, chưa rõ vai trò của Trưởng ban CTMT. Trong khi đó, cơ chế giám sát chủ yếu dừng lại ở việc theo dõi - phát hiện - kiến nghị nên hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, chế độ phụ cấp cho Trưởng ban CTMT chưa tương xứng với nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng” được giao.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban CTMT đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, trước hết, cơ quan này cần không ngừng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng ngày càng rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ, bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, địa phương, sát hợp với thực tiễn cơ sở cộng đồng dân cư. Thứ hai, cần vận dụng linh hoạt điều kiện và khả năng thực tế ở từng nơi, từng công việc để thực hiện có kết quả nhiệm vụ của mình. Thứ ba, cần thường xuyên nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ Ban CTMT, bởi đây là lực lượng trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các phong trào ở cơ sở, do đó cần có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đủ để đáp ứng yêu cầu công việc.
Thực tế cho thấy, Ban CTMT không hoạt động riêng lẻ mà có sự phối hợp của các thành viên thuộc các đoàn thể: Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Khuyến học, Chữ thập đỏ… trong việc hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào của thành phố. Vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ giữa Ban CTMT với thành viên các đoàn thể trên cũng như với chính quyền cơ sở là hết sức quan trọng.
Về phía các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban CTMT để cùng nhau lắng nghe, giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng của nhân dân. Cũng cần sớm điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách đối với cán bộ Ban CTMT để giải quyết những bất cập hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Chính sách Mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng”. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, chắc chắn rằng những chiếc "ăng ten" đặc biệt này sẽ phát huy vai trò trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.