(HNM) - Trong vô vàn khó khăn do đại dịch Covid-19, lĩnh vực điện ảnh Việt Nam vẫn xuất hiện những tín hiệu tích cực; trong đó, sự kiện Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức đã khẳng định bước phát triển mới đầy hứa hẹn cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy trong đời sống xã hội.
Với nỗ lực đổi mới, tinh thần vượt khó để cống hiến, những dấu ấn nổi bật của điện ảnh Việt Nam trong hai năm qua đã được thể hiện rõ nét tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII. Các tác phẩm ở các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình đều cho thấy sự đa dạng, có đầu tư ngày càng chỉn chu về đề tài, cách thức làm phim để hấp dẫn khán giả đại chúng. Đặc biệt, những tác phẩm được vinh danh và có chỗ đứng trong lòng khán giả trong thời gian qua, như: “Mắt biếc”, “Bố già”, “Ranh giới”…; đã khẳng định tính chuyên nghiệp và sự đổi mới của các nhà quản lý, nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác, sản xuất, quảng bá và phát hành phim.
Điều đáng mừng là chất lượng và số lượng phim Việt Nam đang được nâng cao, dung hòa yếu tố nghệ thuật và thị trường, mở ra những triển vọng tích cực, qua đó phát hiện và khẳng định được những tài năng mới của điện ảnh; đồng thời cho thấy hoạt động xã hội hóa điện ảnh đang phát triển mạnh mẽ và đạt hiệu quả thực chất. Sự mạnh dạn cùng tâm huyết của các nhà làm phim đã mang đến sự sôi động cho điện ảnh Việt.
Trong đường hướng phát triển, ngành Điện ảnh xác định xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn và hội nhập. Hiện nay, bối cảnh hoạt động của ngành Điện ảnh có nhiều thay đổi, đặc biệt là chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này đòi hỏi giới điện ảnh phải tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp để thích ứng, phát triển. Bên cạnh phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cần chú trọng khai thác thế mạnh công nghệ, thường xuyên cập nhật xu hướng làm phim hiện đại để tạo sức sống, lan tỏa rộng lớn.
Cũng để thu hút khán giả, giúp điện ảnh Việt thăng hoa và có nhiều tác phẩm mang sức sống lâu bền hơn với công chúng, trong bối cảnh các nền tảng giải trí rất đa dạng như hiện nay, thì sản phẩm điện ảnh phải bảo đảm chất lượng, bao gồm cả phần “xem”, phần “nghe” và nội dung phim. Do đó, các nhà làm phim cần tìm tòi đầu tư sáng tác kịch bản sâu hơn, không nên vội vã với những đề tài sáo rỗng, tránh cách làm phim cẩu thả, thiếu chiều sâu. Nói cách khác, trong xác định thể tài, người làm điện ảnh cần xác định “điểm tựa” của tác phẩm chính là cuộc sống và nhu cầu thưởng thức của công chúng. Bằng con mắt tinh tế của mình, người nghệ sĩ phải biết “gạn đục, khơi trong”, sáng tạo những tác phẩm hấp dẫn công chúng nhưng vẫn mang tính định hướng và giá trị nghệ thuật cao. Trong đó, cần khắc họa dấu ấn văn hóa dân tộc để định hình rõ nét tính đặc trưng của thương hiệu điện ảnh Việt Nam với điện ảnh thế giới.
Một việc quan trọng nữa là cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động điện ảnh, trong đó, việc “bắt tay” giữa các đơn vị làm phim của Nhà nước và tư nhân sẽ tận dụng được thế mạnh của nhau để cùng phát triển. Đặc biệt là với dòng phim chính luận, rất cần những người làm phim trẻ dám dấn thân để sáng tạo nên những tác phẩm gần gũi và thu hút được giới trẻ.
Ở lĩnh vực điện ảnh, suy cho cùng, ngoài kịch bản tốt thì rất cần những người nghệ sĩ tài năng, sáng tạo và tâm huyết để giúp tác phẩm ghi dấu và có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.